Hội thảo phát triển Hoa Cây cảnh - Ngành kinh tế sinh thái trong xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh

21/07/2021 18:38

Sáng ngày 23/4/2021, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (số 35 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội) diễn ra Hội thảo phát triển Hoa Cây cảnh - Ngành kinh tế sinh thái trong xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh.

Nhằm tăng cường liên kết sản xuất kinh doanh Hoa Cây cảnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh, phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về phát triển Nông nghiệp, Nông thôn và Nông dân trong giai đoạn mới, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT) và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội phối hợp cùng Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, Hội Sinh Vật Cảnh Hà Nội, Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển CLB Đổi mới và Sáng tạo ngành Rau Hoa Quả tổ chức Hội thảo “Phát triển Hoa Cây cảnh – Ngành kinh tế sinh thái trong xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh” vào sáng ngày 23/4/2021 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế số 35 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội.

Chủ tọa Hội thảo và Thư ký

Toàn cảnh Hội thảo

Đến dự Hội thảo có ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; PGS. TS Đào Thế Anh, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; ThS. Nguyễn Văn Chí, Phó Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội; ông Trần Văn Sinh, Trưởng Ban Phong trào - Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Bà Tô Thúy Nga, đại diện Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương; Đại tá Nguyễn Mạnh Tuyến, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Thượng tá Đoàn Hồng Hải, Phó giám đốc Trung tâm Huấn luyện Cảnh Sát Biển Việt Nam; GS. TSKH Trần Duy Quý, Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Á Thái Bình Dương; GS. TS Đặng Cảnh Khanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển; TS. Phạm Việt Long, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển; GS. TS Nguyễn Quang Thạch – Học viện Nông nghiệp Việt Nam; PGS. TS Đặng Văn Đông, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương; GS. TS Lê Thị Quý, Chủ tịch Quý Văn hiến Việt Nam; TS. Đặng Vũ Cảnh Linh, Trưởng Ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam; Nghệ nhân Nguyễn Gia Hiền, Phó Chủ tịch Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam.

Cùng đại diện các cơ quan quản lý, nghiên cứu, Hiệp hội chuyên ngành, các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và Hà Nội và hơn 350 đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia, Nghệ nhân, Doanh nhân, Chủ nhà vườn sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ Hoa Cây cảnh đến từ các tỉnh/thành phố trong cả nước và gần 100 đại diện các phóng viên, nhà báo của các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và Hà Nội.

Hội thảo thu hút 250 đại biểu chính thức, 120 đại biểu dự thính và đại diện hơn 100 cơ quan báo chí đưa tin

Tại Hội thảo các đại biểu đã dành nhiều ý kiến tham luận tâm huyết tập trung thảo luận vào một số nội dung và diễn biến chính như sau:

1. Mở đầu Hội thảo, các đại biểu xem phóng sự “Từ Tết Trồng cây do Bác Hồ phát động đến phát triển Hoa Cây cảnh – ngành kinh tế sinh thái trong xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh” do một số nhà báo tâm huyết phối hợp cùng BTC thực hiện.

Qua phóng sự cho thấy, Cách đây hơn 60 năm, ngày 28/11/1959, Bác Hồ đã phát động phong trào Tết trồng cây với mục tiêu làm cho phong cảnh nước ta ngày càng tươi đẹp, làm cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta ngày càng được cải thiện. Tình yêu thiên nhiên, đất nước của Bác đã được thể hiện thành những việc làm rất cụ thể, thiết thực trong việc bảo vệ, giữ gìn tài sản vô giá của quốc gia, dân tộc. Là một trong những lãnh tụ đi tiên phong trong vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái, chú ý đến việc trồng cây, gây rừng, trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trước lúc đi xa, Bác cũng không quên nhắc nhở nhân dân ta phải tiếp tục công việc trồng cây gây rừng. Với Bác, trồng cây không chỉ là công việc nông lâm đơn thuần, mà còn có ý nghĩa sâu sắc là giáo dục đạo đức lao động cho nhân dân, đặc biệt là giáo dục ý thức cho con người trong việc bảo vệ môi trường sinh thái.

Và cũng từ phong trào Tết Trồng cây do Bác Hồ phát động, luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm bằng những việc làm thiết thực để động viên đông đảo các tầng lớp nhân dân, các nhà khoa học, nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn trên cả nước đã tạo ra những không gian văn hóa mới trên mọi miền đất nước, góp phần trong việc nuôi trồng cây để tạo cảnh quan môi trường, sinh thái cũng như xây dựng nông thôn mới ngày một phát triển, đúng như mong đợi của Bác.

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội

2. Tiếp theo đó, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội đã thay mặt BTC trình bày đề dẫn Hội thảo và nêu bật những đóng góp của ngành nghề Hoa Cây cảnh với tư cách một ngành kinh tế sinh thái trong xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh. Cho nay Thành phố có trên 7.000 ha chuyên canh hoa cây cảnh với 11 làng nghề truyền thống. Hà Nội cũng đã xác định một số loại hoa cây cảnh là sản phẩm chủ lực cần được khuyến khích gồm lan, hồng, lily và đào. Đồng thời, đây cũng là địa phương đi đầu cả nước trong việc thẩm định và công nhận 8 sản phẩm OCOP hoa lan; Xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu với điểm nhấn là làng du lịch sinh vật cảnh xã Hồng Vân huyện Thường Tín; Xây dựng tuyến phố văn minh thương mại sinh vật cảnh Vạn Phúc quận Hà Đông; Làm đường hoa nông thôn, phát động phong trào thêm hoa bớt rác…

Từ những thành công và những bất bập trong công tác triển khai một số chính sách phát triển Hoa Cây cảnh thành ngành kinh tế sinh thái trong xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Văn Chí đề nghị các đại biểu, các nhà khoa học tham gia Hội thảo sẽ tập trung phân tích, thảo luận và làm rõ một số vấn đề đặt ra từ thực tiễn ở các địa phương cũng như trong hoạt động cụ thể của các chủ thể Nghệ nhân, Doanh nhân, Chủ nhà vườn với tinh thần thẳng thắn, xây dựng các nội dung liên quan. Ngay cả vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm hiện nay như những thông tin trái chiều về hoạt động sản xuất, kinh doanh Lan Đột Biến (Lan VAR).

Ông Chí cũng thông tin thêm về chỉ tiêu phân đấu trong xây dựng Nông thôn mới của Hà Nội năm 2025, Thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Có 100% các huyện, các xã đạt chuẩn nông thôn mới; 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tăng diện tích hoa, cây cảnh đạt từ 8.500 ha đến 9000 ha. Đẩy mạnh phong trào trồng cây xanh phân tán cây ven đường giao thông lên 8 đến 10 m2/ người. Quy hoạch phát triển làng nghề và Kế hoạch bảo tồn phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các địa phương tạo điều kiện để các làng nghề tổ chức sản xuất kinh doanh và xúc tiến thương mại, làng nghề phát triển tốt sẽ gắn kết với du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm.

Nhân dịp này, ông Nguyễn Văn Chí cũng đã đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí của trung ương và địa phương quan tâm đến tuyên truyền ngành hàng hoa, cây cảnh trên cơ sở tôn chỉ mục đích thúc đẩy phát triển ngành hàng nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị của các địa phương đảm bảo đúng quan điểm, định hướng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

3. Mở đầu tham luận là hai báo cáo về phát triển Hoa Cây cảnh Việt Nam – những giá trị truyền thống và hiện đại của Nhà nghiên cứu Hoa Cây cảnh Lê Quang Khang, Ủy viên BCH Hội Sinh Vật Cảnh Hà Nội và GS. TS Đặng Cảnh Khanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển. Hai tham luận dưới góc độ văn hóa đã góp phần làm rõ những giá trị văn hóa truyền thống của thú chơi Hoa cây cảnh xưa và nay. Qua đó, khẳng định người Việt từ xa xưa đã có lối sống hòa đồng với thiên nhiên. Hoa Cây cảnh là một phần không thể thiếu trong đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta. Đồng thời khẳng định, quá trình hình thành phát triển nghề Sinh Vật Cảnh nói chung, hoa cây cảnh nói riêng từ một thú chơi nhân văn tao nhã đến phát triển thành một ngành nghề nông thôn tiềm năng, giải quyết công ăn việc làm và cho thu nhập tốt. Qua đó khẳng định phát triển hoa cây cảnh thực sự là một ngành kinh tế sinh thái đóng góp vào xây dựng Nông thôn mới, Đô thị văn minh và tái cấu trúc ngành nông nghiệp hàng hoá theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta.

Nhà nghiên cứu Lê Quang Khang

Nhà nghiên cứu Lê Quang Khang, dành nhiều thời gian chia sẻ về thú chơi hoa lan rất tinh tế của người Việt. Ông khẳng định một dân tộc truyền thống chơi hoa tới tầm “đạo chơi” và sự thưởng hoa tới tầm minh triết như vậy thật đáng tự hào thay. Chơi với người đôi khi gặp phải đối tượng còn phải cảnh giác chứ chơi với lan ta chỉ nhận được ở đó sự hết mình. Đó chính là cái chân thật, cái xúc động tận đáy với những vẻ đẹp vừa phô bày, vừa kín đáo. Vì vậy cõi tinh thần này coi việc chăm lan và tâm sự với lan và chính lan cùng vẻ đẹp của nó đã giúp con người điều chỉnh chính mình, hoàn thiện và cân bằng mình. Chơi hoa là bỏ cái ác, lấy cái thiện, bỏ cái xấu, vươn theo cái đẹp. Rành rành chơi hoa là một thuần phong mỹ tục thoát lên triết lý nhân sinh của thú thưởng hoa, tạo nên một nét đẹp độc đáo và sang trọng của dân tộc ta.

GS. TS Đặng Cảnh Khanh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển

GS. TS Đặng Cảnh Khanh thì tập trung phân tích về những cảm thụ về thiên nhiên, cỏ cây hoa lá của người Việt đã trở thành một bản sắc, một nhân cách và giá trị sống lâu đời của người Việt. Và soi chiếu trong cuộc sống hiện đại, GS. TS Đặng Cảnh Khanh cho rằng, ngày nay, trong nhịp độ phát triển mạnh mẽ của xã hội hiện đại, đời sống văn hóa tinh thần của xã hội được nâng cao, những giá trị truyền thống của dân tộc trong việc sống gắn kết với thiên nhiên, cỏ cây hoa lá đã khiến tâm hồn con người ngày càng trở nên thanh cao, khoáng đạt hơn, con người ngày càng nhân ái và hạnh phúc hơn. Nghề trồng hoa và cây cảnh đang được trả lại với những giá trị đích thực của nó cả về mặt vật chất và tinh thần. Chính sự phát triển của hoa và cây cảnh như một ngành kinh tế sinh thái đã khiến cho môi trường của xã hội hiện đại sẽ không chỉ là những khối sắt thép, xi măng khuôn cứng, mà còn làm cho con người ngày càng trở lại với bản chất tự nhiên vốn có của nó, thân thiện, nhân văn và thanh cao hơn.

4. Với góc nhìn của một chuyên gia hàng đầu về hoa tại Viện Nghiên cứu Rau quả và đại diện CLB Đổi mới và sáng tạo ngành Rau – Hoa – Quả, PGS. TS Đặng Văn Đông đã tập trung đánh giá thực trạng phát triển Hoa cây cảnh trong những năm vừa qua và đề xuất một số giải pháp Nghiên cứu Phát triển, chuyển giao công nghệ về Hoa cây cảnh, tạo điều kiện thúc đẩy ngành kinh tế sinh thái này trong xây dựng Nông thôn mới nâng cao và xây dựng Đô thị sinh thái theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả

Theo PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả thì cả nước hiện có khoảng 45.000 ha hoa, cây cảnh, tổng giá trị ước tính 23.400 tỉ/năm (tương đương hơn 1 tỉ USD), xuất khẩu xấp xỉ 80 triệu USD/năm. Như vậy so với năm 2.000, diện tích hoa, cây cảnh năm 2020 đã tăng 6,6 lần, giá trị tăng 27,5 lần. Tốc độ tăng trưởng này là rất cao so với các ngành nông nghiệp khác. Trong khi đó Việt Nam có nguồn tài nguyên khí hậu, địa hình, gen rất đa dạng, nguồn lao động dồi dào, có thị trường gần 100 triệu dân với trung bình mỗi năm mỗi người tiêu dùng xấp xỉ 45.000 đồng mua hoa, cây cảnh.

PGS.TS Đặng Văn Đông cũng khẳng định tiềm năng phát triển hoa cây cảnh của Việt Nam là rất lớn, đặc biệt là các loại hoa lan bản địa. Đồng thời khẳng định nếu được đầu tư đúng mức Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu đạt đến 500 triệu USD vào năm 2030 và trở thành một trung tâm sản xuất hoa của khu vực và trên thế giới. Trên cơ sở đó, để phát triển Hoa cây cảnh trở thành một ngành kinh tế sinh thái trong xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh, PGS.TS Đặng Văn Đông đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:

- Hoàn thiện chu trình khép kín từ nghiên cứu đến sản xuất, thị trường tiêu thụ về lĩnh vực hoa, cây cảnh. Các nội dung gồm: nghiên cứu chọn tạo giống, biện pháp lưu giữ giống, nhân nhanh giống, quy trình sản xuất hoa, cây cảnh thương phẩm, nghiên cứu quy trình thu hái, xử lý, bảo quản, vận chuyển hoa, thương mại hóa sản phẩm.

- Tăng cường công tác nghiên cứu gắn với sản xuất, các sản phẩm nghiên cứu phải được thử nghiệm và đánh giá thông qua sản xuất, đồng thời các cơ quan khoa học phải chịu trách nhiệm trước các doanh nghiệp, nhà đầu tư về giống hoa, công nghệ và quy trình do mình tạo ra và chuyển giao.

- Quy hoạch một số vùng sản xuất chuyên canh, đầu tư hỗ trợ cơ sở hạ tầng, xây dựng một số mô hình trình diễn sản xuất hoa, cây cảnh ứng dụng công nghệ cao (hoặc công nghệ tiên tiến) để làm cơ sở nhân ra diện rộng.

- Tăng cường đầu tư hỗ trợ xây dựng và xúc tiến thương mại về hoa, cây cảnh

- Một mặt mua bản quyền một số giống hoa, cây cảnh có giá trị, mặt khác nhanh chóng liên doanh, liên kết hoặc thuê chuyên gia nước ngoài tạo giống và đầu tư cho các cơ quan có năng lực tạo giống mới trong nước. Trước hết là tạo ra các giống hoa, cây cảnh có yêu cầu kỹ thuật và công nghệ ít phức tạp như lily, layơn, loa kèn, đồng tiền,... để phấn đấu đến năm 2025 chủ động được 1/3 số lượng giống hoa, cây cảnh trong nước.

- Tăng cường đầu tư cho công tác khuyến nông về hoa, cây cảnh song song với việc nghiên cứu điều chỉnh các chính sách đất đai, khuyến khích các tổ chức cá nhân cùng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh hoa, cây cảnh, với quy mô lớn tạo ra hàng hóa có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường.

- Xây dựng thương hiệu hoa, một số trung tâm giao dịch và chợ đầu mối bán buôn hoa, cây cảnh ở một số vùng trọng điểm có sản lượng hoa, cây cảnh lớn như Tây Hồ, Mê Linh (Hà Nội), Đức Trọng (Lâm Đồng), Củ Chi (TP Hồ Chí Minh),…

- Khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư, sản xuất hoa, cây cảnh xuất khẩu, có những cơ chế cụ thể rõ ràng hơn, giống như đối với 1 số đối tượng cây trồng được ưu tiên khác.      

GS. TSKH Trần Duy Quý, Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam trình bày tham luận tại Hội thảo

5. GS. TSKH Trần Duy Quý, Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Á Thái Bình Dương đã dành thời gian đi sâu phân tích vai trò của Đột biến và quá trình chọn tạo giống mới, cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao một cách đúng hướng sẽ quyết định mang tính đột phá có thể giúp ngành Hoa Cây cảnh phát triển theo hướng là một ngành sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.

GS. TSKH Trần Duy Quý lấy ví dụ cụ thể về sự phát triển hoa Lan Đột Biến gây được sự chú ý của dư luận gần đây. Theo đó, Lan Đột Biến là một nguồn tài nguyên thực vật quý giá đã bị nhiều cơ quan nghiên cứu và quản lý lãng quên. Trong khi, những người yêu lan của cả nước đã tự đầu tư sưu tầm và bảo tồn trong suốt gần 50 năm qua. Họ cũng chưa nhận được sự hỗ trợ cụ thể nào từ nhà nước nhưng vì động lực kinh tế họ đã đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại nhất hiện nay để phục vụ công tác bảo tồn và phát triển nhiều dòng lan quý. Ngay cả việc đi đăng ký đặt tên và xác nhận bản quyền những một số giống mới và công bố với quốc tế cũng bằng nguồn tiền tự đầu tư. Nhưng khi họ đầu tư mở rộng hoạt động nuôi trồng và chia sẻ những giống quý đó cho những người có nhu cầu thì đông đảo dư luận còn có những luồng ý kiến trái chiều và đâu đó có cả sự kì thị thiếu công bằng.

Tại Hội thảo, GS. TSKH Trần Duy Quý một lần nữa nhấn mạnh, Lan Đột Biến cần phải được nhà nước quan tâm đầu tư chọn tạo giống mới để phát triển thành hàng hóa giống như một số nước đã làm với Lan Hồ Điệp, Lan Dendro… Vì vậy, nhà nước cần đầu tư và tạo ra cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội trong phát triển cây lan thuốc. Và ông cho rằng, các phòng thí nghiệm các cơ sở có thể nhân giống các loại lan trong đó có cả Lan Đột Biết cho các mục đích trên.

GS. TSKH Trần Duy Quý cho biết, bằng kinh nghiệm mấy chục năn làm công tác di truyền nên ông khẳng định, hoàn toàn có thể dùng các tác nhân hóa học hay phóng xạ để tạo ra đột biến. Tuy nhiên đa phần đột biến là có hại, chỉ có một phần rất nhỏ là có lợi cho sinh vật và cho chính con người. Đột biến nhân tạo muốn làm ra giống mới phải mất ít nhất 5, 10 năm thậm chí 20 năm. Còn đột biến tự nhiên qua hàng triệu năm đã tạo ra những giống lan 5 cánh trắng rất đẹp mà các đột biến nhân tạo không thể làm giống hệt được…

Tuy nhiên, vẫn nên tôn trọng thú chơi nguyên thủy của một bộ phận những người yêu hoa lan. Vì họ tôn trọng những nguồn gen đột biến được hình thành trong tự nhiên, từ quá trình nuôi trồng đến phương thức nhân giống đều được tiến hành bằng các phương pháp truyền thống để đảm bảo giữ nguyên được khuôn bông, mặt hoa, phẩm cấp của sản phẩm theo những tiêu chí khắc khe riêng mà họ đã tích lũy được trong quá trình bảo tồn những dòng làn rừng bản địa suốt 50 năm qua.

Nhân dịp này, với tư cách là một nhà khoa học, đại diện một tổ chức Hội của những người làm khoa học về công tác phát triển nông thôn và cũng với tư cách của một nhà báo, GS. TSKH Trần Duy Quý muốn nhắn nhủ tới những người làm công tác thông tin và truyền thông phải nên cân trọng hơn khi đưa tin về các hiện tượng mà xã hội đang quan tâm, tránh việc đưa tin một chiều, thiếu thông tin xác thực và không định hướng rõ ràng, đưa tin chạy theo TREND góp phần gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng không tốt tới hoạt động sản xuất và kinh doanh Hoa Cây cảnh. Ông khẳng định cái gì cũng có hai mặt, bên cạnh những người chân chính làm công tác sản xuất kinh doanh hoa cây cảnh nói chung, Lan Đột Biến nói riêng, sẽ có những người lợi dụng ăn theo, làm giả và lừa đảo. Cả xã hội cần phải lên án mà loại trừ những hành vi tiêu cực trong hoạt động này. Đồng thời chúng ta cũng cần kịp thời biểu dương, khích lệ những mô hình tốt, những cách làm hay và những nhân tố tốt trong cộng đồng. Chỉ riêng trong năm 2020 và những tháng đàu năm 2021, cộng đồng những người yêu hoa lan đã đóng góp cho các hoạt động thiện nguyện với tổng số tiền trên 120 tỷ đồng và nhiều việc làm tốt đẹp khác. Đó là những việc làm tốt đẹp mà chúng ta cần phải đánh giá khách quan. Ông nhấn mạnh rằng, Lan Đột Biến không có tội, chỉ có những người dựa vào Lan Đột Biến để lừa đảo và trục lợi là những người có tội, nhưng những người như vậy chỉ là thiểu số đã gây ảnh hưởng đến đa số những nhà vườn đang làm ăn chân chính.

 Luật sư Lê Thị Hồng Thơm, Công ty Luật Dương Nữ - TP Hồ Chí Minh

6. Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Thị Hồng Thơm, Công ty Luật Dương Nữ - TP Hồ Chí Minh đã giải đáp những thắc mắc liên quan đến việc mua bán hoa cây cảnh, nhất là thuế đối với lĩnh vực hoa cây cảnh. Theo các quy định hiện hành, Hoa Cây cảnh nói chung, lan VAR nói riêng đang thuộc lĩnh vực nông nghiệp được ưu tiên phát triển nên phần các hoạt động có liên quan được miễn thuế. Chỉ có những chủ thể phát sinh hoạt động KINH DOANH thuần túy lĩnh vực này với quy mô Hộ kinh doanh cá nhân hay các loại hình doanh nghiệp thì phải chịu các loại thuế theo quy định. Điều này được thể hiện rất rõ trong các quy định của pháp luật và gần đây Tổng Cục thuế có văn bản 833/TCT – DNNCN ngày 25/03/2021 tiếp tục khẳng định những nội dung như trên.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về cơ chế nào để đảm bảo các quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp trước các tranh chấp, hoặc bị xâm phạm về lợi ích, thương hiệu, uy tín cho các doanh nghiệp, chủ nhà vườn trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh Hoa lan nói chung, Lan VAR nói riêng. Luật sư Lê Thị Hồng Thơm cho biết, trong trường hợp này, cộng đồng những người yêu hoa lan Việt Nam nên làm các thủ tục xin phép thành lập Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Hoa lan Việt Nam. Vì Hiệp hội không chỉ bảo vệ những quyền lợi chính đáng của người sản xuất kinh doanh Hoa Lan chân chính và làm cầu nối trong thực hiện chính sách và phù hợp với cam kết của khi tham gia tổ chức WTO, Hiệp Hội SX và KD hoa lan Việt Nam nên sớm được thành lập theo các quy định của pháp luật.

Nghệ nhân Nguyễn Trọng Hà, Chủ tịch Hội Sinh Vật Cảnh huyện Yên Thành (Nghệ An)

7. Nghệ nhân Nguyễn Trọng Hà, nguyên Bí thư huyện ủy Yên Thành (Nghệ An), Chủ tịch Hội Sinh Vật Cảnh huyện Yên Thành cho biết, việc thực hiện Tết Trồng cây do Bác Hồ phát động được huyện Yên Thành quan tâm từ năm 1961. Đến nay, phong trào Tết Trồng cây được toàn dân quan tâm gắn với phong trào xây dựng Nông thôn mới ở địa phương. Mấy năm trở lại đây, phong trào trồng hoa lan đã được xã hội hóa rất cao. Nhờ có hoa phong lan mà nhiều gia đình có đời sống khá giả và vươn lên làm giàu chính đáng. Có những hội viên đã chủ động đóng thuế cho ngân sách nhà nước từ hoạt động kinh doanh hoa lan. Ông khẳng định lừa đảo hay đa cấp ở đâu không biết, nhưng ở huyện ông trồng hoa lan đã trở thành phong trào và Hội Sinh Vật Cảnh đã biên soạn thành ấn phẩm riêng về hoa lan để phục vụ công tác tuyên truyền cho cán bộ, hội viên. Ông Hà cũng khẳng định đây là Hội thảo rất kịp thời và có ý nghĩa thiết thực trong giai đoạn cả nước đang bước vào xây dựng Nông thôn mới nâng cao và phát triển nền Nông nghiệp sinh thái theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

GS.TS Nguyễn Quang Thạch – Học viện Nông nghiệp Việt Nam

8. Đến từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam, GS.TS Nguyễn Quang Thạch dành thời gian lý giải tại sao Việt Nam là 1 trong 16 quốc gia đa dạng sinh học và có truyền thống phát triển hoa cây cảnh lâu đời bậc nhất thế giới nhưng lại chưa thể trở thành một cường quốc hoa là do chưa tiếp cận chuỗi giá trị, chưa sản xuất theo yêu cầu của thị trường về số lượng và chất lượng với giá cả cạnh tranh. Trên thực tế, cả nước mới có Đà Lạt đầu tư theo chiều sâu để phát triển thành ngành công nghiệp sản xuất hoa.

Chia sẻ thẳng thắn về Lan Đột Biến, GS.TS Nguyễn Quang Thạch cho rằng Lan Đột Biến nó quý hiếm là có thật và giá cả của nó do người sở hữu phát ra và được quyết định bới các quy luật của thị trường. Nên người ta có thể đòi giá của những sản phẩm đó lên tới hàng triệu đô la, tỷ đô la là quyền của người ta. Còn trách nhiệm của các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu và cơ quan quản lý là phải làm sao cho giá thành của nó được giảm xuống và mang lại nguồn lợi tối đa cho đất nước, cho người dân. Ông cho rằng trong thời đại ngày nay thì cần phải minh bạch thông tin và khẳng định bằng những luận chứng khoa học sẽ thuyết phục nhất trước những ý kiến trái chiều.

Ông cũng khẳng định lại, Việt Nam hoàn toàn có quyền mơ đến một ngày trở thành cường quốc về xuất khẩu Hoa Cây cảnh. Và những hội thảo bổ ích như hôm nay là để bàn sâu về những giải pháp đó. Ông hy vọng một ngày nào đó, Lan Đột Biến sẽ không chỉ được phổ cập để nhà nhà đều có thể chơi và nó còn được xuất khẩu để đâu đâu cũng có những bông qua quý mang bản sắc của Việt Nam. Tại sao Trung Quốc làm được, Thái Lan làm được mà chúng ta có nhiều lợi thế không thua kém gì mà đến nay chưa làm được.

Ông Vương Xuân Nguyên, P. Chánh văn phòng Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam

9. Lý giải câu hỏi về nguyên nhân truyền thông và MXH quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí là tin giả có liên quan về Lan Đột Biến, mà tiêu biểu là một vườn lan ở Ứng Hòa (Hà Nội) bị đồn thổi ôm hơn 100 tỷ, rồi 200 tỷ, 350 tỷ rồi 700 tỷ bỏ trốn nhưng thực tế cơ quan xác định chủ vườn có nợ 3 khách hàng với số tiền 14 tỷ đồng và chưa có dấu hiệu phạm tội, ông Vương Xuân Nguyên, P. Chánh văn phòng Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam cho biết, những thông tin trái chiều thường kích thích sự tò mò thu hút sự quan tâm của nhiều người, từ đó tạo ra những luồng dư luận tốt xấu đan xen nhau. Nếu những thông tin trái chiều được đưa ra từ những góc nhìn khách quan, những phân tích thấu đáo với mục đích xây dựng sẽ đưa lại một cái nhìn tổng thể đa chiều là rất cần cho một sự phát triển bền vững của bất kỳ ngành nghề nào. Tuy nhiên, nếu thông tin trái chiều được tạo ra từ sự kỳ thị, nhận xét phiến diện hay chỉ là những thủ pháp câu Like, câu View hay những động cơ cạnh tranh không lành mạnh thì sẽ tạo ra sự méo mó thông tin, làm sai lệch bản chất sự việc.

Việc xuất hiện nhiều thông tin trái chiều xung quanh Lan VAR trong thời gian vừa qua, một mặt, thị trường Lan VAR sốt đột ngột với gia tốc nhanh hơn rất nhiều tương quan so với các ngành khác dã tạo ra những băn khoăn cho những người ngoại đạo, nhất là những người đã từng là nạn nhận của các cơn sốt trước đó như: Chứng khoán, bất động sản, tiền ảo, vàng...Mặt khác, sự chuyển dịch đầu tư từ các ngành khác sang lĩnh vực Lan VAR cũng gây ra sự tâm tư ít nhiều cho những người đang sinh sống kinh doanh bằng các ngành nghề khác bị mất thị phần, cụ thể là các loại hoa cây cảnh khác Lan VAR.

Cùng với đó là sự giúp đỡ âm thầm của người hùng thầm lặng trong trường hợp này chính là những thuật toán tương tác trên MXH. Ở đó, những tương tác Share, Like, Comment...sẽ truyền đi những tín hiệu không phản ánh hoàn toàn bản chất của vấn đề, mà phần nhiều theo "hội chứng tâm lý đám đông". Khi trí tuệ nhân tạo AI dựa vào các Big Data đó để đưa ra những từ khóa HOT được cư dân mạng tìm kiếm nhiều nhất sẽ là những gợp ý cho các tòa soạn triển khai đề tài theo xu hướng TREND. Trong những trường hợp đó, nếu thiếu đi sự công tâm khách quan và phát huy trách nhiệm cộng đồng thì những chuyên gia, người làm báo và cả các chủ thể cũng rất dễ bị cuốn theo các TREND đang được dư luận quan tâm. Đây là một vấn đề lớn mang tính thách thức lớn của An minh mạng và Trật tự xã hội mà không chỉ xảy ra ở một hoạt động kinh doanh nhỏ Lan VAR. Trên thế giới người ta đặt ra vấn đề này ngày cả với những gian lận trong thương mại cũng như trong bầu cử. Vì vậy, ông Vương Xuân Nguyên cho rằng mọi người nên cần trọng chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng lên mạng xã hội.

10. Trong các tham luận trình bày tại Hội thảo, các đại biểu nêu bật giá trị phong trào Tết trồng cây do Bác Hồ phát động những năm 60 của thế kỷ trước; Những giá trị thiết thực của Hoa Cây cảnh trong xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh; hoàn thiện các cơ sở chính sách để thúc đẩy ngành hoa lan phát triển; Hội thảo cũng đã lắng nghe một số mô hình tốt, cách làm hay trong phát triển, giải thích các cơ sở khoa học của phát triển Hoa cây cảnh nói chung, lan đột biến nói riêng. Một số nhà vườn đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao đêm lại hiệu quả kinh tế cao như: Vườn lan sân thượng; Vườn ứng phó với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long; Chuyển đổi nghề Hoa Cây cảnh ở khu vực ven đô; Mô hình làng Hoa cây cảnh thu hút du lịch…

Đặc biệt, tại Hội thảo nhiều chuyên gia cũng như đại diện cơ quan quản lý đã đưa ra những cảnh báo những rủi ro có thể gặp phải trong đầu tư Hoa cây cảnh nói chung, hoa Lan nói riêng và lên án những hành vi lừa đảo gây hoang mang dư luận, gây ảnh hưởng không tốt tới người làm ăn chân chính. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng đã chỉ ra một số biện pháp trong đó có giải pháp về thể chế như thành lập hiệp hội ngành nghề hoa lan để có thể đại diện và bảo vệ quyền lợi cho những người sản xuất, kinh doanh và làm dịch vụ hoa cây cảnh chân chính.

 PGS. TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

11. Từ những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các nhà khoa học, đại diện các cơ quan quản lý và đông đảo đại biểu dự Hội thảo, thay mặt Chủ tọa điều hành Hội thảo, PGS. TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam kết luận một số nội dung Hội thảo như sau:

Một là, Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển ngành Hoa Cây cảnh không chỉ trở thành một ngành kinh tế sinh thái giá trị cao trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn mà hoàn toàn có thể trở thành một trung tâm sản xuất Hoa cây cảnh lớn của khu vực và trên thế giới. Từ một nước gần như phải nhập khẩu hoàn toàn hoa lan Hồ Điệp thì đến nay chúng ta đã tự sản xuất và đáp ứng được trên 20%. Chúng ta đã có mô hình trồng hoa lan Hồ Điệp của công ty Toàn Cầu SJC có tầm cỡ Châu Á. Sự phát triển sản xuất hoa, cây cảnh nói riêng và các sản phẩm sinh vật cảnh nói chung đã giải quyết việc làm cho hàng vạn hộ gia đình, đóng góp không nhỏ vào GDP của ngành nông nghiệp, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng và xây dựng nông thôn mới, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển sinh vật cảnh vẫn còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chưa hình thành khu vực sản xuất tập trung, chất lượng sản phẩm còn thấp, chưa có tính liên kết theo chuỗi giá trị cao. Điều này dẫn đến tình trạng khó áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, chưa tạo sản phẩm có tính cạnh tranh cao, khó đáp ứng các đơn đặt hàng xuất khẩu với số lượng lớn, chưa thật sự góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch sản xuất nông nghiệp, nông thôn sang sản xuất nông nghiệp đô thị. Do đó cũng cần có sự quan tâm của các bộ, ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Cần rà soát và hoàn thiện những cơ chế, chính sách cụ thể theo hướng pháp quyền XHCN, kiến tạo cho ngành hoa cây cảnh phát triển. Cần khuyến khích đầu tư, ứng dụng công nghệ phát triển ngành sinh vật cảnh gắn với phát triển du lịch sinh thái; bảo tồn và kiến tạo các không gian văn hóa, sinh thái; thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu các sản phẩm có giá trị kinh tế cao trở thành hàng hóa chủ lực trong nền kinh tế quốc gia.

Cụ thể, Nhà nước, Chính phủ và Bộ NNPTNT cần coi ngành hoa là một ngành kinh tế mũi nhọn, có nhiều tiềm năng để phát triển, từ đó có những chính sách hỗ trợ như đối với một số đối tượng cây trồng có ưu thể phát triển khác; Các cơ quan hữu quan, hàng năm dành nguồn kinh phí để ưu tiên cho việc nghiên cứu, quy hoạch, phát triển hoa, cây cảnh, theo định hướng của ngành, trước hết tập trung vào những đối tượng hoa, cây cảnh có lợi thế phát triển; Các cơ quan khoa học cần phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo và các chuyên gia trong việc tăng cường công tác nghiên cứu tạo ra nhiều giống hoa mới có chất lượng cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở các vùng và được thị trường tiếp nhận, nghiên cứu các quy trình công nghệ tiên tiến, phù hợp với các điều kiện kinh tế, xã hội Việt Nam; Tăng cường liên kết giữa các chủ thể sản xuất, nuôi trồng, kinh doanh với các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu và các cơ quan truyền thông nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững…

Hai là, Nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là yêu cầu của qua trình cấu trúc lại ngành Nông nghiệp nước ta. Từ thực tiễn đó, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, tăng cường liên kết giữa các chủ thể có liên quan nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh Hoa Cây cảnh trước mắt theo hướng hàng hóa hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng sản phẩm, hình thành các chuỗi giá trị, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước, hướng tới mục tiêu xuất khẩu và thực sự trở thành một ngành kinh tế sinh thái giá trị cao góp phần xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh.

Ban trù bị vận động thành lập Hiệp hội sản xuất và kinh doanh hoa lan Việt Nam

Ba là, Vai trò của các hiệp hội nghề nghiệp đã đồng hành cùng với cộng đồng doanh nghiệp, các chủ thể sản xuất nông nghiệp ngày càng cao, nhất là trong bối cảnh hội nhập Quốc tế, đặc biệt đối với ngành đặc thù như Hoa cây cảnh. Hiệp hội nghề nghiệp không chỉ bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của hội viên như chuyển giao KHCN, xây dựng tiêu chuẩn riêng, dịch vụ hỗ trợ tiếp cận thị trường, trọng tài định giá…mà còn là trực tiếp hướng dẫn các hội viên tăng cường tính chuyên nghiệp và thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Xuất phát từ những yêu cầu thực tiễn, chúng tôi đề nghị trong thời gian tới Bộ Nội vụ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm công nhận tư cách của Ban vận động thành lập Hiệp hội sản xuất và kinh doanh hoa lan Việt Nam để tiến tới hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ Nội vụ cho phép thành lập Hiệp hội sản xuất và kinh doanh hoa lan Việt Nam theo đúng các quy định của pháp luật.

Bốn là, Hội thảo một lẫn nữa ghi nhận và biểu dương cộng đồng những người sản xuất kinh doanh Hoa Cây cảnh Việt Nam trong những năm qua đã có nhiều hoạt động thiện nguyện cộng đồng và lan tỏa những giá trị cuộc sống. Trong đó, không thể không kể kến những đóng góp nổi bật của Cộng đồng những người yêu hoa lan Việt Nam. Chỉ tính riêng trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, cộng đồng những người yêu hoa lan đã đóng góp hơn 120 tỷ đồng cho hoạt động thiện nguyện cộng đồng và những dự án bảo tồn hoa lan, cây cảnh. Vào những ngày tháng 4 lịch sử này, hưởng ứng Đề án trồng một tỷ cây xanh của Chính phủ và Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, Cộng đồng những người yêu hoa lan Việt Nam đã tích cực đồng hành cùng Quỹ Văn Hiến Việt Nam và Hội Khoa hoc Phát triển Nông thôn Việt Nam trong Chương trình VÌ MỘT VIỆT NAM XANH với nỗ lực sẽ đóng góp tối thiểu 100.000 cây xanh trong giai đoạn (2021 – 2025) và bảo tồn lan rừng bản địa tại một số khu di tích lịch sử, khu rừng đặc dụng.

Năm là, Hội thảo cũng mong muốn các cơ quan quản lý, các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục đồng hành chia sẻ với những khó khăn đặc thù của ngành nông nghiệp, một ngành dễ bị tổn thương bởi thiên tai dịch bệnh, những biến động trên thị trường trong và ngoài nước. Vì vậy, trong quá trình phát triển bước đầu của ngành Hoa Cây cảnh Việt Nam hiện nay sẽ khó tránh khỏi phát sinh những bất cập, tồn tại cần phải hoàn thiện để phát triển, rất mong sẽ nhận được những ý kiến xây dựng, đa chiều, khách quan minh bạch.

GS. TS Lê Thị Quý, Chủ tịch Quỹ Văn Hiến Việt Nam và ông Nguyễn Văn Chí, Phó chánh văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối Nông thôn mới Hà Nội tiếp nhận đăng ký của các nhà tài trợ

PGS. TS Đào Thế Anh khẳng định Hội thảo Phát triển Hoa Cây cảnh – Ngành kinh tế sinh thái giá trị trong xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh diễn ra trong không khí thi đua triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chào mừng 46 năm Giải phòng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Đất nước (30/4/1975 – 30/4/2021); Kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5 và hướng tới Kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2021). Vì vậy, sự thành công của Hội thảo này có một ý nghĩa rất lớn không chỉ cho các cơ quan tổ chức, các chủ thể tham gia mà còn có những đóng góp thiết thực cho ngành nông nghiệp.

Nhân dịp này, thay mặt BTC Hội thảo, PGS. TS Đào Thế Anh bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc tới các cơ quan phối hợp, các chủ thể tham gia, cảm ơn các cơ quan thông tấn báo chí đã về dự và đưa tin./.  

Vương Xuân Nguyên
Bạn đang đọc bài viết "Hội thảo phát triển Hoa Cây cảnh - Ngành kinh tế sinh thái trong xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh" tại chuyên mục INTEGRATION PANORAMA. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (08.4646.0404) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan.hoinhap@gmail.com).