Huyền thoại Đại tá, Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy đã "rẽ mây về trời"

25/07/2021 11:35

Sáng sớm ngày 23/9, đồng nghiệp ảnh báo chí Vũ Anh Tuấn không kìm được xúc động báo tin: "Đại tá, Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy trân quý của chúng ta đã qua đời ở tuổi 84 sau một thời gian điều trị tại Bệnh viện Quân y 175".

Một thời đạn bom, một thời hòa bình

Đại tá - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy, còn gọi là Bảy A, sinh năm 1936 tại xã Hòa Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Trong hai năm 1966-1967, phi công Nguyễn Văn Bảy thuộc biên chế của Trung đoàn Không quân tiêm kích 923 (mật danh Đoàn Yên Thế) và tham gia trận đánh đầu tiên trên vùng trời Bắc Sơn-Chi Lăng. Ông được thăng hàm Đại tá và lần lượt giữ các chức vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 937, Phó Tư lệnh Sư đoàn 372 , Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân. Năm 1989, Đại tá Nguyễn Văn Bảy nghỉ hưu. Sau một thời gian sinh sống ở TPHCM, năm 1990, ông nghỉ hưu, về quê sống cuộc đời một người nông dân bình dị với ao cá, ruộng sen tại quê nhà Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.

bay12301jpg-1627187344.crdownload
Đại tá, Anh hùng Nguyễn Văn Bảy với những chiến công đã đi vào huyền thoại; Ảnh: Internet

Chia buồn cùng đồng nghiệp Vũ Anh Tuấn và đồng cảm với anh trước nỗi đau mất mát chếnh choáng trong lòng không có gì bù đắp được, trước sự ra đi của một huyền thoại phi công anh hùng trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, một người ông giàu nghĩa tình, luôn hào hiệp và vị tha giữa đời thường.

Nhớ cách đây 02 năm, Vũ Anh Tuấn, hội viên CLB Ảnh Báo chí Hội Nhà báo Việt Nam vinh dự được tháp tùng Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy đi dự Triển lãm Không gian Hoa Kỳ. Một chuyến đi không thể nào quên với anh, khi được chứng kiến cuộc hội ngộ thắm đượm nghĩa tình giữa những kỳ phùng địch thủ trong những trận không chiến ở thế kỷ 20 đã đi vào lịch sử quân sự thế giới.

Gạt nước mắt kìm lòng xúc động, anh Vũ Anh Tuấn bắt đầu kể những câu chuyện về chuyến công tác đặc biệt mà anh vinh dự được cùng cụ Bảy sang bên kia địa cầu gặp những cựu thù địch của một thời đạn bom để viết tiếp những chương mới về hòa bình và tình hữu nghị giữa hai dân tộc: Việt - Mỹ.

Đó là Hội nghị gặp mặt thảo luận về các cuộc không chiến trên bầu trời miền Bắc của Việt Nam từ năm 1965-1975 nhìn từ hai phía được tổ chức tại Hoa Kỳ vào năm 2017. Đoàn Việt Nam tham dự sự kiện trên có: Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Trung tướng Phạm Phú Thái, Trung tướng Nguyễn Kim Cách, Đại tá Nguyễn Văn Bảy, Đại tá Từ Đễ (thành viên phi đội quyết thắng ném bom Dinh độc lập năm 1975), Đại tá Hà Quang Hưng, Đại tá Nguyễn Xuân Quý, Trung tá phi công Mig -21 Nguyễn Sỹ Hưng (Con trưởng của Trung tướng huyền thoại đường Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên), Đại tá Lê Thanh Đạo, Phi công Mig- 21 Nguyễn Phi Hùng, Trung tá Phùng Quảng, Phi công Vietnam Airlines Nguyễn Nam Liên, ông Vũ Anh Tuấn, phóng viên và bà Bùi Hằng phiên dịch...

Lần đầu tiên trong lịch sử, các phi công còn sống sót trong những trận không chiến năm xưa và chỉ huy hai bên cùng ngồi lại với nhau để thảo luận cởi mở về cách đánh của mỗi bên. Tại hội nghị trên, cụ Bảy là nhân chứng sống của các trận đánh giữa Mig 17 với phi công Mỹ.

cu71jpg-1627187407.crdownload
cu72jpg-1627187435.crdownload
Anh hùng Nguyễn Văn Bảy và một số phi công đối thủ trên bầu trời năm xưa; Ảnh: Vũ Anh Tuấn

Trong những ngày trên đất Mỹ, Đại tá, Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy đã tham gia các hoạt động: Thảo luận với cựu Không quân Hải quân; Thăm quan tàu sân bay Mid Way, căn cứ Quân sự; Tham gia triển lãm Mirama (MCAT Mirama 2017) và Giao lưu cùng phi đội bay Đại Bàng Xang Blue Angels...Qua các sự kiện trên, "huyền thoại bay" Nguyễn Văn Bảy dù ở tuổi trên 80 những đã khiến các cựu phi công Hoa Kỳ và các đại biểu dự hội nghị rất bất ngờ về sự thông minh, hỏm hỉnh và một trí nhớ rất đặc biệt. Cụ có thể nhớ chính xác từng chi tiết, từng diễn biến, thời gian, người chỉ huy, người tác chiến cụ thể, rõ ràng từng chi tiết.

Tại hội nghị, những cựu phi công Hoa Kỳ nhắc tên ông Bảy với tư cách một huyền thoại làm chủ bầu trời. Với phương tiện thô sơ nhưng bằng sự thông minh và nghệ thuật tác chiếc độc đáo, phi công Nguyễn Văn Bảy đã khiến đối phương với trang bị chế tài bay hiện đại phải kính nể. Ông là một trong 16 phi công Việt Nam đạt cấp ACES (cấp độ bắn rơi 5 máy bay địch trở lên) trong kháng chiến chống Mỹ khi dùng chiếc MiG 17 thô sơ xuất kích 94 lần, 13 lần nổ súng và bắn rơi 7 máy bay Mỹ (2 chiếc F-105 và 5 chiếc F-4).

Đây là một kỷ lục chưa từng được xác lập. Trước đó, không có phi công MiG-17 (Một loại máy máy đã rất lạc hậu vào thời điểm đó: không có radar và tên lửa, vận tốc tối đa chỉ đạt Mach 0,9...) lại bắn rơi nhiều máy bay hiện đại hơn ông và ông cũng chưa từng bị đối phương bắn rơi lần nào. Với thành tích đặc biệt đó, năm 1967, ông được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

o70jpg-1627187509.crdownload
Anh hùng Nguyễn Văn Bảy và Chuẩn tướng phi công Mỹ, Radm Keneth Pette Pettgrew; Ảnh Vũ Anh Tuấn

Anh Tuấn cho biết thêm, tại hội nghị các bạn nhắc đến ông Bảy như một huyền thoại phi công còn bởi ông là một trong những người đưa ra cách đánh du kích bằng không quân. Máy bay Mig-17 rất thô sơ có tính năng tác chiến, kỹ thuật, vũ khí kém rất xa so với không quân Mỹ khi đó. Vì vậy, phi công Nguyễn Văn Bảy đã chọn cách đánh quần thảo, bám gần sau lưng máy bay địch để đánh.

Cho đến tận bây giờ, anh Vũ Anh Tuấn vẫn rất ấn tượng về nụ cười và những việc làm của người anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy trên miền Tây nước Mỹ.

"Sau một hành trình dài thăm quan công viên địa chất Grand Canyon, cả đoàn đã thấm mệt. Trên một trạm dừng chân của người thổ dân da Đỏ, ông Bảy không chịu nghỉ mà lúi húi ra mấy gốc cây xương rồng sa mạc, bới tìm nhặt nhạnh một cái gì đó rất bí mật. Thấy vậy, tôi tiến lại gặng hỏi nhưng nhất định ông không nói. Mãi tới khi lượm được ít hạt xương rồng của nước Mỹ, ông mới vui cười và bật mí: Tau lượm mấy hạt giống và lấy ở đây một ít đất, một ít nước đem về Việt Nam trồng. Tau muốn mang Đất và Nước cùng những cảm xúc của những người bạn một thời đạn bom, một thời hòa bình nơi đây về Việt Nam....", anh Vũ Anh Tuấn kể.

cuu999jpg-1627187549.crdownload
Anh hùng Nguyễn Văn Bảy lưu niệm cùng CLB Sỹ quan căn cứ Miramar; Ảnh: Vũ Anh Tuấn

Huyền thoại giữa đời thường bình dị

Chính người viết bài này, được nghe cố Nhà báo Đỗ Phượng, Nguyên Tổng Giám đốc TTXVN kể về Anh hùng Nguyễn Văn Bảy được Bác Hồ quan tâm chỉ đạo rút về làm công tác đào đạo sau 7 lần bắn rơi máy bay Mỹ. 

"Bác Hồ đã gợi ý không nên để Anh hùng Nguyễn Văn Bảy tiếp tục trực tiếp nghênh chiến với máy bay Mỹ, mà lui về làm công tác huấn luyện, điều hành. Bác lo ngại những phi công chiến đấu hàng đầu nếu trực tiếp tham gia có thể hy sinh, tổn thất sẽ rất lớn trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở thời kỳ quyết liệt...", Nhà báo Đỗ Phượng khẳng định.

Rồi Nhà báo Đỗ Phượng còn cho biết một chi tiết rất xúc động, trong những ngày đầu tháng 9 năm 1969, đau thương của cả dân tộc, Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy vinh dự được chọn đứng canh linh cữu Bác Hồ. Trong 2 ngày đêm cùng đồng đội thay phiên nhau canh trực bên linh cữu Người, ông phải tự động viên thật bản lĩnh để đứng nghiêm, không biểu lộ cảm xúc, trong khi trong lòng nước mắt trào dâng trước mất mát đau thương tột cùng. Sau mỗi lần được đổi ca, ông và các đồng đội lại ôm nhau khóc. Ngày 9/9/1969, cũng chính ông là người lái chiếc Mig-17 dẫn đầu biên đội bay thấp trên Quảng trường Ba Đình để chào vĩnh biệt Người.

anh123333jpg-1627187599.crdownload
Anh hùng Nguyễn Văn Bảy và những khoảnh khắc đời thường; Ảnh: Tung Tin

"Cụ coi anh như con. Anh quý cụ không hẳn cụ là anh hùng huyền thoại của không quân, mà còn vì chất lính, sự thân thiện, gần gũi chân tình, luôn lo toan cho mọi người...cụ khiến chính đối thủ của mình phải nể trọng. Nhiều gia đình cựu phi công của Hoa Kỳ yêu quý cụ như một người thân trong gia đình. Họ từ miền Tây nước Mỹ xa xôi sang thăm cụ và cụ đón tiếp họ như chào đón người thân lâu ngày trở về chính gia đình mình...", anh Vũ Anh Tuấn bồi hồi kể lại.

Những ai có dịp ghé thăm quê hương người anh hùng phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy sẽ được người dân kể về ông, một lão nông tri điền thực thụ. Họ cho biết, trước đây khu vực này là vùng sâu, không điện, không nước sạch, mưa lớn là ngập hết các lối đi. Từ khi ông Bảy về đây, ông chạy ngược suôi lo toan để có đủ điện, đường, trường, trạm, nước máy đến từng nhà.

Dù còn rất nhiều điều muốn kể về cụ Bảy sau những năm gắn bó cùng ông nhưng quá xúc động anh Vũ Anh Tuấn thổn thức nhớ thương, tiếc nuối một con người, một nhân cách sống vĩ đại giữa đời thường khiến anh không thể cất nên thành lời trong lúc này.

anh12345jpg-1627187643.crdownload
Anh Vũ Anh Tuấn lưu niệm bên Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy trong chuyến đi Mỹ (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Cũng giống như Vũ Anh Tuấn, nghe tin Đại tá, Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy về với cõi người Hiền bên Bác Hồ và các vị tiền bối, người thân, gia đình, đồng đội, xóm làng quê hương của ông, ngay cả những cựu thù địch năm xưa ở bên kia địa cầu cũng không khỏi bùi ngùi xúc động, bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn: Một cánh hạc đã rẽ mây về trời!

Trong số 16 phi công của Không quân Nhân dân Việt Nam đạt đẳng cấp Ace, chỉ có 3 người (gồm ông Bảy và ông Chao) là lái tiêm kích MiG-17, 13 người còn lại lái máy bay MiG-21 hiện đại hơn. Cuộc chiến trên không của Mỹ ở Việt Nam kéo dài từ năm 1965 đến 1973. Đối với một phi công MiG, bản thân việc sống sót trong gần 8 năm chiến tranh này đã là một kỳ tích, chưa nói đến chuyện bắn hạ hơn 5 máy bay đối phương để trở thành phi công ace.

Trận giao chiến đầu tiên vào ngày 6/10/1965, ông Bảy bị một chiếc F-4 tấn công bằng một tên lửa AIM-7D vào phía bên ngoài cánh bên trái của máy bay. Sau cú thoát hiểm ngoạn mục, ông ngoành máy bay về phía sân bay Nội Bài và cố gắng hạ cánh an toàn. Trên mặt đất, ông đếm được 82 lỗ thủng trên thân máy bay. Đây là cuộc "không chiến" không cân sức. Một máy bay của ta phải chọi với 4 hoặc 5 máy bay địch. 

Với chiến thuật đánh du kích trên không bằng phương tiện lạc hậu hơn đối phương, ông Bảy và đồng đội của mình thường phải thực hiện các động tác rẽ, thay đổi tâm của vòng tròn và bay tắt qua đường kính để đuổi kịp đối phương, đôi khi sử dụng góc phù hợp để cắt qua đường bay vòng của đối phương để nâng cao uy lực của pháo.

Pháo của ông Bảy đã phát huy hiệu quả lần đầu tiên vào cuối tháng 4/1966. Khi mạng radar phát hiện máy bay Mỹ đang tiến đến các khu vực Bac Son và Dinh Ca, một sĩ quan chỉ huy đã lệnh cho 4 phi cơ MiG-17 cất cánh để nghênh chiến, các phi cơ này do các phi công Bảy, Chao, Trần Triêm và Hồ Văn Quỳ lái. Ngay sau khi cất cánh, ông Bảy phát hiện 8 chiếc F-4. Một chiếc F-4 bay tản rộng ra khi đội hình này thực hiện rẽ. Nguyễn Văn Bảy cắt qua đường bay của chiếc F-4 và bay sát vào cự ly bắn. Bình tĩnh đợi khi toàn thân chiếc F-4 đó đã choán chiếm kính chắn gió của ông, ông khai hỏa, và chiếc F-4 rụng xuống.

 

Vương Xuân Nguyên
Bạn đang đọc bài viết "Huyền thoại Đại tá, Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy đã "rẽ mây về trời"" tại chuyên mục CULTURAL FLOW. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (08.4646.0404) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan.hoinhap@gmail.com).