Nhớ đồng chí Tráng A Pao!

18/07/2021 17:07

Năm 2002, khi tôi mới về công tác tại Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, một trong những người đầu tiên tôi được gặp là đồng chí Tráng A Pao, Ủy viên Thường vụ Quốc Hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam. Ấn tượng về lần gặp đó và những kỷ niệm được cùng ông đi công tác các địa phương trong những năm tháng ở Hội sẽ không bao giờ phai mờ trong tôi.

Ngày 25/12/2015, tôi thật bàng hoàng trước thông tin đồng chí Tráng A Pao đã từ trần. Tôi không thể tin đây là sự thực được. Hơn chục ngày trước tôi còn vào thăm và thông báo với ông về kết quả tổ chức Hội nghị tôn vinh Nghệ nhân, Chủ nhà vườn Sinh vật cảnh Việt Nam tiêu biểu năm 2015. Ông còn bày tỏ sự xúc động trước sự ra đi quá đột ngột của đồng chí Đắc Thị Ất! và trăn trở những khó khăn ban đầu đối với Hội sau sự ra đi của một Ủy viên Trung ương Hội cốt cán. Vậy mà nay đồng chí đã ra đi mãi mãi!

tap1-1626602666.jpg
Đồng chí Tráng A Pao trong một chuyến công tác phía Nam

Với những tình cảm gắn bó nhiều năm với ông ở Hội đã thôi thúc tôi gác lại mọi việc để bắt xe lên Lào Cai viếng ông, mang theo bao tình cảm, lời chia buồn sâu sắc nhất của lãnh đạo Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, Hội Sinh vật cảnh các địa phương và đông đảo cán bộ, hội viên, những người gắn bó với ông những năm tháng ở Hội gửi tới gia quyến trong ngay tang lễ do điều kiện sức khỏe, và đường xá xa sôi không trực tiếp lên viếng được.

Trên chuyến xe lên Lào Cai, những kỷ niệm sâu sắc nhất cùng những lời dặn của ông chợt thức dậy mạnh mẽ trong tôi.

Nhớ tháng 10/2011 nhân đại hội sinh vật cảnh tỉnh Hà Giang, tôi được đi dự cùng ông và các đồng chí Hoàng Kim Trung, Nguyễn Ngọc Nguyên, Phí Văn Sửu, Trần Anh Tuấn của Hà Nội. Một chuyến đi nhiều kỷ niệm sâu sắc giúp các thành viên trong đoàn hiểu rõ về bản lĩnh, uy tín, tầm ảnh hưởng và vai trò của ông đối với đồng bào các dân tộc thiểu số nơi địa đầu Tổ Quốc. Ông không ngần ngại đề nghị tôi tự lái xe ô tô trở cả đoàn từ thành phố Hà Giang lên cột cờ Lũng cú, Đồng Văn. Suốt chặng đường gian nan hiểm trở đó, bác và đồng chí Nguyễn Mạnh Thùy, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Hà Giang kể về con đường Hạnh Phúc, đỉnh Mã Pì Lèng và những khó khăn gian khổ của đồng bào ta những năm gian khó đó. Lên đỉnh cột cờ Lũng Cú, nhìn về nước bạn ông nói: "Cột cờ này có được dựng từ thời cụ Lý Thường Kiệt đến nay! Sở dĩ có được sự trường tồn như vậy là do ông cha ta luôn nêu cao tinh thần đoàn kết quân dân một lòng và luôn đề cao cảnh giác với hai chính sách ngoại giao xuyên suốt cả nghìn năm nay của láng giềng. Một là, trong cái của anh có cái của tôi nhưng cuối cùng là của tôi. Hai là, muốn đối xử xấu với đối phương phải chuẩn bị tốt,nhưng đã chuẩn bị tốt thì không cần tốt với đối phương". Một đêm cả đoàn nghỉ ở Đồng Văn. Sáng sớm tinh mơ hôm sau bất chấp cái giá lạnh tê buốt ông đã lặn lội xuống chợ thăm hỏi đồng bào. Thật ngạc nhiên, khi thấy ngoài tiếng Kinh, tiếng Mông ông có thể nói chuyện thông thạo với đồng bào người Tày, Nùng, Thái, Pà Thẻn, Giáy, Phù Lá, Cờ Lao... Trước sự ngạc nhiên của cả đoàn ông nói: "Cũng giống như người làm công tác sinh vật cảnh thôi! anh làm công tác dân tộc phải biết tiếng của đồng bào mới hiểu được văn hóa đặc trưng của đồng bào, từ đó mới tuyên truyên thuyết phục để họ hiểu và làm theo chủ trương, chính sách của ta".

Và cũng dễ hiểu vì sao những chuyến đi của Phó chủ tịch Trung ương Hội Tráng A Pao đi Tây Bắc, Tây Nguyên hay Tây Nam Bộ bao giờ ông cũng ghé thăm và hòa mình vào sinh hoạt của các đồng bào dân tộc thiểu số ở đó. Người ta bắt gặp ông đang say sưa trong nhịp khèn, câu ví dặm hay vũ điệu lam bông bên hũ rượu cần hay những nhịp chèo với câu hát đối tài tử trên vùng sông nước Cửu Long. Từ khi về làm Phó chủ tịch không chuyên trách của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2014, ông trăn trở nhiều về sinh hoạt tôn giáo của đồng bào các dân tộc thiểu số: "Một mặt tôn giáo giúp bà con hướng thiện và từ bỏ những hủ tục, mê tín dị đoan không còn phù hợp với cuộc sống hiện nay nhưng do hạn chế về thông tin đồng bào rất có thể bị các thế lực thù đích kích động với những động cơ thiếu lành mạnh, nguy hiểm cho đất nước".

Thật xúc động khi nghe lời điếu do đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội trình bày trong lễ tang đồng chí Tráng A Pao. Lời điếu có đoạn: "Đồng chí Tráng A Pao, sinh ngày 1-12-1945 tại xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai; thường trú tại số nhà 28 lô C3 khu đô thị mới Yên Hòa, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội; Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 5; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 6, 7, 8, 9; Đại biểu Quốc hội khóa 9,10,11; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa 11; Phó Chủ tịch kiêm nhiệm Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa 8; nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai; Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng ba; Huân chương Chiến công hạng ba, Huân chương Lao động hạng nhì; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng; đã từ trần hồi 8 giờ 40 phút ngày 24-12-2015 tại Bệnh viện Nhiệt đới hưởng thọ 71 tuổi. Để tỏ lòng thương tiếc và ghi nhận công lao cống hiến của đồng chí Tráng A Pao, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Tráng A Pao với nghi thức lễ tang cấp cao".

Và khó kìm được sự xúc động khi thấy hàng ngàn người dân tự nguyện đóng cửa hàng kinh doanh đứng dọc các ngả đường nơi linh cửu của ông đi qua biểu thị sự tiếc nuối sư ra đi đột ngột của một nhân cách thẳng thắn, gần dân, một đời trong sáng, tận tụy hết mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân, sự bình đẳng tiến bộ của các dân tộc thiểu số. Với người dân nơi Tây Bắc, ông chính là hiện thân của người anh hùng "A Phủ" trong chuyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" của nhà văn Tô Hoài. Sự ra đi của ông là nỗi đau, sự mất mát quá lớn đối với họ.

Trong bảng vàng công huân, thành tích của một đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng với hàng chục huân, huy chương các loại, ban lễ tang và gia đình đã trân trọng xếp hai kỷ vật của ông về hoạt động sinh vật cảnh ở một vị trí trang trọng. Đó là Kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển Sinh vật cảnh Việt Nam và Huy hiệu Hội Sinh vật cảnh Việt Nam. Thật xúc động biết bao!

Với những người làm công tác sinh vật cảnh mãi không bao giờ quên câu nói cuối cùng đầy tâm huyết của ông tại Hội nghị BCH Trung ương Hội lần thứ V (Khóa V) tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 6 năm 2015: "Đến chiếc điện thoại cũng cần phải nạp năng lượng thì mới hoạt động tốt được.Hội phải khẩn trương đối mới phương thức hoạt động, chủ động thu hút các nguồn lực xã hội trong khuôn khổ Điều lệ và các quy định của pháp luật để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu mới về xây dựng tổ chức Hội và phát triển phong trào sinh vật cảnh hướng đến ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao". Sự ra đi của ông, tiếp sau sự ra đi của đồng chí Đắc Thị Ất, Ủy viên Thường vụ Trung ương Hội là nỗi đau, sự trống vắng khó có thể bù đặp được đối với tổ chức Hội và phong trào sinh vật cảnh của cả nước./.

Vương Xuân Nguyên
Bạn đang đọc bài viết "Nhớ đồng chí Tráng A Pao!" tại chuyên mục VIETNAMESE COMPANION. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (08.4646.0404) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan.hoinhap@gmail.com).