Tình hình sản xuất, nuôi trồng hoa lan trên Thế giới và Việt Nam

24/07/2021 17:23

Với mong muốn đưa lại cho bạn đọc một tài liệu tham khảo bổ ích về Tình hình sản xuất, nuôi trồng hoa lan trên Thế giới và Việt Nam, chúng tôi xin trích đăng nội dung trong Giáo trình Hoa Lan Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên.

1. Vai trò của hoa lan trong đời sống kinh tế

Trong thế giới các loài hoa, hoa lan là một trong những loài hoa đẹp nhất. Hoa lan được coi là loài hoa tinh khiết, hoa vương giả cao sang, vua của các loài hoa. Hoa lan không những đẹp về màu sắc mà còn đẹp cả về hình dáng, cái đẹp của hoa lan thể hiện từ những đường nét của cánh hoa tao nhã đến những dạng hình thân lá, cánh duyên dáng, ít có loài hoa nào sánh nổi.

hoal-1627121554.jpg
Những giò lan rừng mang nhiều giá trị thẩm mỹ, khoa học và kinh tế

 

Hoa lan được mệnh danh là món trang sức đẹp nhất mà thiên nhiên ban tặng cho loài người. Con người chưa hề ngừng chiêm ngưỡng các tác phẩm tuyệt mỹ ấy. Hoa lan luôn được nhiều người ưa thích bởi lẽ hoa lan có cấu trúc rất kiêu kỳ và phức tạp với n hững chạm trổ hết sức tinh vi, nhất là bộ phận môi hoa đã làm nhiều nhà điêu khắc phải thán phục. Hoa lan bao gồm rất nhiều màu sắc, được pha trộn một cách hài hòa, cân đối, khi thì hiện lên những nét tương phản rõ nét, khi thì chìm lắng một cách lặng lẽ.

Cây lan lại mang những nét đặc thù thú vị của một loại cây trồng không đất. Khác với các loài ký sinh thông thường có tác dụng hủy hoại ký chủ, trái lại đa số loài lan sống phụ sinh, chỉ xem giá thể như là vật để giá đỡ lan trong không gian và giữ ẩm cho bộ rễ. Vì thế cha ông ta đã dùng cây lan biểu hiện cho người quân tử “Mai, Lan, Cúc, Trúc” một đạo đức cao quí của con người Việt Nam.

Ngoài vẻ đẹp kiêu kỳ, quyến rũ, lan còn có các đặc điểm mà nhiều loài hoa khác không có được, với hương thơm đặc biệt, đa dạng mà hầu như không có loại hương liệu nhân tạo nào sánh được cùng với ưu điểm lâu tàn đã tạo cho lan trở thành một loại hoa vương giả. Chính vì vậy giá lan biến động rất cao trên thị trường, trung bình là 10-15 đôla/cây, nhưng cũng có các loài quí đạt tới 400 đôla/cây, cá biệt có loài giá bán tới vài nghìn đôla. Ở châu Á, Thái Lan là nước có sản lượng lan công nghiệp lớn nhất với trị giá kim ngạch xuất khẩu hàng năm tới hàng chục triệu đôla.

Hoa lan (Orchidaceae) là một trong đỉnh cao của sự tiến hóa của các loài cây có hoa. Hoa lan được con người biết đến rất sớm. Ở châu Á, danh từ lan là tên có từ xa xưa trong Tứ thư, ngũ kinh và cả trong Kinh dịch của Bách Gia Chư Tử (Trung Quốc 551 - 479 trước công nguyên). Hoa lan được tượng trưng cho người quân tử. Khổng Tử đã hết lời ca ngợi hoa lan và có lẽ là người đầu tiên coi hoa lan là vua của các loài hoa.

Theo Bretchneider: từ đời vua Thần Nông - Trung Quốc (2800 trước Công nguyên) trong một tài liệu về cây thuốc, còn ghi lại hai loài lan được dùng làm thuốc trị bệnh. Sau này dựa vào sự mô tả người ta có thể xác định đó là loài Cymbidium ensifolium và Dendrobium monniliforme.

Đời nhà Tần - Trung Quốc (255 - 206 trước Công nguyên) có một quan thượng thư nghiên cứu và viết một tác phẩm về cây cỏ trong đó cũng có mô tả hai loài hoa lan làm thuốc nói trên.

Đến đời nhà Tống - Trung Quốc (960 - 1279) có một học giả là Mao Siang có viết một cuốn sách về dược thảo và phương pháp dưỡng sinh. Trong cuốn sách này có trình bày về công cụ dược học của nhiều hoa lan như: Dendrobium nobile và Dendrobium crumenatum.

Từ đời nhà Minh (1278 - 1368) trở đi, hoa Lan được họa thành tranh, và tranh hoa lan là loại tranh nghệ thuật quý để trang trí nội thất thời bấy giờ.

Năm 1728 Matsuka (Nhật Bản) đã viết một quyển sách chỉ dẫn kỹ thuật trồng hoa lan và bón phân, tưới nước cho cây lan.

Nói chung các nước ở châu Á, hoa lan được biết đến và đưa vào nuôi trồng rất sớm. Đến thế kỷ 20, người Anh mới đến Singapore mở đầu cho một giai đoạn mới là lập trại nuôi trồng hoa lan và kỹ nghệ nuôi trồng lan. Các giống lan được nuôi trồng ở đây là: Arachnis, Vanda, Oncidium... đồng thời lai tạo các loài lan mới.

Từ năm 1957, Thái Lan, Indonexia bắt đầu phát triển nuôi trồng lan quy mô ngày càng lớn phục vụ cho xuất khẩu. Các loài lan rừng, lan lai, lan cắt cành của Thái Lan được xuất khẩu qua nhiều nước trên thế giới.

Có thể nói Thái Lan là một nước điển hình cho ngành nuôi trồng và xuất khẩu hoa lan ở các nước châu Á. Công nghiệp sản xuất, xuất khẩu hoa lan ở Thái Lan được bắt đầu từ Thong Lor Rakhpa Busobat ở Bangkok. Từ người đầu tiên không biết gì về hoa lan và hầu như không ai chỉ dẫn, Thong Lor Rakhpa Busobat đã đến với hoa lan với tấm lòng say mê vô hạn. ông đã tự mày mò nghiên cứu, trải qua bao nhiêu gian lao vất vả trên bước đường nghiên cứu. Thành công nhiều nhưng sai lầm cũng không phải ít. Và như ông đã từng nói: “Chính cây lan dạy tôi mò mẫm từ sai lầm”, cuối cùng ông đã thành công rực rỡ.

hoalan1-1627121683.jpg
Những loại hoa công nghiệp rực rỡ sắc màu

Sau những thành công của Thong Lor, nhiều người từ các nước Ấn Độ ,Sri Lanka, Philippin đã lần lượt đến Thái Lan học hỏi kinh nghiệm sản xuất và kinh doanh lan. Hiện nay hàng tháng công ty hoa lan của Thong Lor đã gửi hàng trăm chuyến hoa lan xuất khẩu sang các nước châu Âu, sang Hoa Kỳ và sang Nam Mỹ. Các vườn hoa lan của Thong Lor thường có ít nhất là 10.000 cây trở lên. Đặc biệt Thong Lor đã lai tạo thành công nhiều loài hoa lan lai mới có hoa với nhiều màu sắc đẹp hấp dẫn người thưởng thức.

Ngành hoa lan Thái Lan ngày càng phát triển mạnh hơn lên với các vườn lan Mountain Orchids và Sai Nam Phung Orchids ở Chiang Mai, đây là những vườn lan lớn với diện tích, số lượng cây và loài đáng chú ý của Thái Lan.

Ở châu Âu cũng như châu Á, người châu Âu đã biết đến hoa lan rất sớm, các tập di cảo dược tính, thảo mộc trong đó có nói đến cây lan đã có từ trước Công nguyên.

Lan (Orchidologia) bắt nguồn từ Hy Lạp cổ đại. Theo Phrastus (370 - 285 trước Công nguyên) là người đầu tiên dùng danh từ Orchis trong tác phẩm “Nghiên cứu về thực vật” để chỉ một loài hoa.

Đầu thế kỷ thứ 1 sau Công nguyên, Dioscoride đã đặt tên gọi trên cho hai loại cây trong tác phẩm của mình về cây mộc thảo làm thuốc. Orchis tiếng Hy Lạp có nghĩa là tinh hoàn, nó chỉ sự giống nhau của thân củ ngầm của lan có dạng tương tự với tinh hoàn của động vật.

Trải qua một lịch sử lâu dài, năm 1519, một người châu Âu là Coster đã phát hiện một loài cây mới và lạ ở Mexico có mùi thơm, loại cây này được ông mang về Tây Ban Nha và phát triển thành lập kỷ nghệ sản xuất hương vị vani, loại cây đó chính là an Vanilla. Mô tả về lan sớm nhất ở châu Mỹ là “Y văn cổ của Astec” (Badianus madues cript, 1552), ngoài giống lan Vanilla còn nhắc đến một loài lan khác.

Lobelius (1529 - 1616) trong nghiên cứu về thực vật của mình đã nêu những nhận xét về cây cỏ và xếp thành các họ đơn giản, trong đó có họ lan.

Đến năm 1753, Linnaeus đã dùng danh từ orchis trong cuốn sách thảo mộc Specles Platarum để chỉ các loài lan. Năm 1836, John Lindely dùng danh từ orchid định danh chung cho các loài lan. Còn chữ orchis dùng chỉ một loài địa lan ở châu Âu.

Các thế kỷ 16 - 17, những người châu Âu, đặc biệt là người Anh đã đi khắp thế giới nghiên cứu, sưu tập cây cỏ. Trong thời kỳ này nhiều loài lan nhiệt đới đã được đưa về nước Anh. Năm 1794 ở Anh người ta đã biết được 15 loài lan nhiệt đới. Ở châu Âu trong cả một thời gian dài người ta cho rằng hoa lan mọc trên gỗ, nên chúng là vật ký sinh và xem sự nghiệp gây trồng là vô vọng. Những dò lan quý hiếm do các nhà du lịch mang từ các vùng rừng núi nhiệt đới xa xôi về được bảo quản một cách vô cùng cẩn thận trong những bộ thực vật sưu tập được coi là những tài sản vô giá. Sự yêu thích về hoa lan của người châu Âu ngày một tăng lên, dần dần càng có nhiều người đi đến các nước châu Á, châu Mỹ tìm lan. Nhiều người đi sâu vào rừng nguyên sinh nhiệt đới, trải qua bao nhiêu nguy hiểm để tìm kiếm được một giò lan, không ít người đã phải trả giá đắt bằng cả tính mạng của con người để tìm được một vài loài lan mới trong các chốn rừng sâu. Ở thế kỷ 18 - 19, lan là một loài thực vật quý được đánh giá cao, một vài giò lan quý bằng mấy lần tiền lương của công nhân hàng tháng. Ở thời kỳ này, khoa học và kỹ thuật trong sinh học và nông học chưa cao, người ta chưa biết sự cần thiết của nấm rễ đối với đời sống của cây lan, người ta chưa biết kỹ thuật gây tạo cây giống lan từ hạt, quá trình tìm kiếm các loài lan gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề vận chuyển lại càng khó khăn gấp bội. Chính vì vậy nên giá hoa lan trở nên cao vượt bậc. nhiều cuộc khảo sát, tìm tòi các loài lan được tổ chức trong thời gian này với một kinh phí lớn và hoa lan trở thành mặt hàng kinh doanh mang lợi nhuận cao.

hoa123-1627121729.jpg
Một loài lan Phi Điệp Đột Biến

Đầu thế kỷ 20, kỹ thuật gieo trồng hoa lan từ hạt bằng nhiều nấm cộng sinh có từ cây lan mẹ bắt đầu mở ra một giai đoạn mới đối với nghề nuôi trồng lan. Nhiều nhà khoa học, nhiều nhà làm vườn đã nghiên cứu các phương thức nuôi trồng hoa lan trong những điều kiện môi trường khác nhau, việc chăm bón, cung cấp các chất dinh dưỡng được tiến hành trên những cơ sở khoa học mới. Việc khám phá ra vấn đề bổ sung gluxit và những chất hữu cơ khác cho hoa lan tạo điều kiện cho việc mở rộng quy mô môi trường ngày càng lớn. Với những phương pháp kỹ thuật nhân giống bằng hạt đã mở ra khả năng phát triển ngành lan ở châu Âu cũng như ở thế giới. Đặc biệt là đưa kỹ thuật lai tạo áp dụng vào giống lan, tạo ra những cây lan lai có vẻ đẹp về màu sắc và hình dạng duyên dáng hơn hẳn bố mẹ. Từ đây lan lai đầu tiên được tạo ra giữa các loài hoa là Calanthe dominii bắt đầu nở hoa vào năm 1856 được nhà làm vườn người Anh là Fohn Domini tạo ra bằng cách lai C. masutra x C. furcata.

Ngày nay, các loài lan đã xếp thành một hệ thống phân loại chung gọi là Orchidaceae, lan rừng đã xác định được 750 chi và hơn 25.000 loài tự nhiên và có hơn 30.000 loài lan lai. Mọi kỹ thuật nhân giống và nuôi trồng hoa lan đã trở thành một bộ phận chủ yếu nhất của ngành trồng hoa cảnh xuất khẩu của nhiều nước. Việc khai thác nguồn lan nhiệt đới đối với người châu Âu không còn nguy hiểm nữa. Nhiều công ty ở các nước nhiệt đới đã thu thập các loại lan rừng và nuôi trồng để xuất khẩu. Trong những thập niên cuối thế kỷ 20, ở châu Âu, lan trở thành mặt hàng thương mại, từ Anh sang Pháp... sau đó lan sang Mỹ. Ở Mỹ có hai bang sản xuất hoa lan phổ biến nhất ở California và Florida. Việc nuôi trồng để xuất khẩu hoa lan hiện nay ở nhiều nước đã đạt đến số lượng hàng trăm giò lan và cành lan mỗi năm. Trước đây số lượng xuất khẩu chủ yếu là từ lan được khai thác trong rừng đã gây lên nguy cơ khoảng 13 số loài lan có thể bị diệt chủng. Nhu cầu nuôi trồng hoa lan trên quy mô công nghiệp ngày càng phát triển. Ở nhiều nước, các nhà nuôi trồng hoa lan nghiệp dư và chuyên nghiệp đã lập ra các hội hoa lan ngày càng nhiều. Ngày nay đã có hơn 400 hội hoa lan trên thế giới, có nhiều chuyên san về hoa lan đã được xuất bản. Nhiều cuộc hội thảo về hoa lan trên quy mô quốc tế được triệu tập.

Từ năm 1983, tập san chuyên đề về lan alf To orchids - Review được Anh xuất bản theo định kỳ 3 tháng một số, và từ năm 1932 tập san To American orchid - Society (AOS) được Mỹ xuất bản định kỳ mỗi tháng một số. Cho đến nay cả hai tập san trên vẫn tiếp tục phát hành và có hàng loạt các tập san về hoa mới phát hành tiếp sau. Nhiều cuộc triển lãm về lan đã được tổ chức. Nhiều giải thưởng đặt ra cho những thành tựu xuất sắc nhất trong việc chọn giống lan.

Trung Quốc là nước có tốc độ phát triển lan khá nhanh. Đầu thập kỷ 80, Trung Quốc bắt đầu nhập nội lan Hồ Điệp. Năm 2002, sản lượng lan Hồ Điệp của Trung Quốc là 3 triệu cây, chủ yếu ở Quảng Đông, Phúc Kiến, Bắc Kinh, Vân Nam, Sơn Đông…bao gồm 50 - 60 xí nghiệp có quy mô lớn, trong đó Quảng Đông có hơn 10 công ty sản xuất khoảng 1,2 triệu cây (chiếm 40% sản lượng lan Hồ Điệp của Trung Quốc). Cùng với mức sống ngày càng cao của người dân thì nhu cầu về hoa cũng ngày càng tăng, diện tích trồng hoa ngày một tăng và nghề trồng lan Hồ Điệp đã trở thành con đường làm giàu chắc chắn cho nhiều công ty doanh nhân ở Trung Quốc.

Hiện nay, đối với người các nước châu Âu và châu Mỹ cũng như hầu hết các nước trên thế giới, hoa lan là một sản phẩm cao quý. Đặc biệt đến mùa Giáng sinh, lan được xuất khẩu một cách ồ ạt từ các ước châu Á như Thái Lan, Singapore sang các nước Âu Mỹ với giá cao, các nhà sản xuất thuê bao các hãng hàng không vận chuyển hoa lan sang phục vụ người tiêu dùng.

Thị trường xuất khẩu hoa lan trên thế giới ngày càng mở rộng. Kim ngạch thương mại hoa lan cắt cành thế giới 2000 đạt 150 triệu USD trong đó Nhật Bản là nước nhập khẩu hoa lan cắt cành số 1 thế giới, thứ hai là Ý, tiếp đến là PHáp, Đức đứng thứ tư và thứ năm là Mỹ, các nước từ thứ 6 đến 17 lần lượt là: Anh, Hà Lan, Áo, Bỉ, Hy Lạp, Ba Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Canada, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ...

Thị trường xuất khẩu hoa lan hiện nay rất lớn và đầy triển vọng. Ngày nay người tiêu dùng có xu hướng mua hoa lan có giá thành hạ mà không cần biết xuất xứ vì vậy thị trường hoa lan thế giới luôn có chỗ cho những quốc gia mới tham gia miễn là giá hạ, hoa bền lâu và màu sắc đúng thị hiếu của đa số người tiêu dùng.

Xu hướng phát triển mới của ngành thương mại hoa lan thế giới là sự gia tăng diện tích của các trang trại trồng lan, nhất là ở Thái Lan đã có những trang trại chuyên trồng loài Dendrobium rộng đến 39ha.

Thứ hai là qui mô các dự án đầu tư cho ngành thương mại hoa lan đang gia tăng, tại Panama đang có dự án với vốn đầu tư lên đến 200.000USD.

Thứ ba là sự phát triển của việc lai tạo giống hoa lan, nhất là Dendrobium tạo ra các cành hoa dài, hoa lớn và đa dạng màu sắc.

Thứ tư là sự phát triển của các loại hoa lan ôn đới như Cymbidium, Dendrobium và Oncidium cho những cành hoa có độ bền cao, có thể cắm trong bình đến 1 tháng.

Cuối cùng là sự thay đổi mạng lưới phân phối để có thể giao hàng đến tận tay khách hàng.

2. Tình hình sản xuất, nuôi trồng hoa lan ở Việt Nam

Riêng về hoa lan, các loại hoa lan rừng đẹp đến mức độ lộng lẫy đã đến với người dân Việt Nam từ cổ xưa. Hoa lan đến với người Việt Nam từ những bông hoa đẹp, từ những vị thuốc chữa bệnh được lưu truyền trong dân gian từ đời này qua đời khác cho đến ngày nay. Hoa lan là một loài hoa quý, đối với người Việt Nam, hoa lan tượng trưng cho sự trong sạch, thanh cao, số người hiểu biết về hoa lan tuy còn ít ỏi, và những người chơi lan trước đây chủ yếu là những người giàu có, những nho sĩ, những cụ già nhàn rỗi...

Từ thời Trần Anh Tông, nhà vua thích sưu tầm các loại hoa, các cây cảnh uốn thế và các loại hòn non bộ. Đặc biệt là đã sưu tập được 500 loài cây lan quý, lập nên “Ngũ bách viên” - niềm kiêu hãnh của một ông vua hào hoa phong nhã. Các sứ thần Trung Quốc và các nước mỗi khi đến Việt Nam, vua Anh Tông thường đích danh dẫn họ đi xem vườn. Ai cũng tấm tắc khen và cho rằng Đông phương có một không hai, không ai có được vườn lan quý như vậy. vua Anh Tông thường sai bảo đi khắp nơi, lên rừng xuống biển, qua cả các nước Lào, Chiến Thành, Phù Nam, Xiêm La tìm các loài hoa quý, lạ đưa về.

Bên cạnh “Ngũ bách viên” của vua Anh Tông, có một vườn lan ở phường Thanh Hà - Thăng Long. Đó là vườn của một cự phú họ Lữ, người Trung Hoa, anh ruột của Tổng đốc Quảng Tây Lữ Cảnh Phú, tên là Lữ Hồng Chiêu. Vườn lan của Lữ Hồng Chiêu toàn những loài lan quý, hiếm và có hương thơm ngào ngạt, Lữ  Hồng Chiêu có những kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc vườn lan rất đặc biệt, ông có một số nữ nhân công chuyên chăm sóc lan. Bí quyết của việc chăm sóc cho lan làm kích thích cho cây lan tốt, chóng ra hoa và hoa bền đẹp là dùng nước tắm của phụ nữ để tưới cây hoa lan. Bí quyết về kỹ thuật này khởi thủy từ Đỗ Phủ đời Đường của Trung Quốc lưu truyền lại.

Trong “Vũ trung tùy bút” và “Tang thương ngẫu lục” của Phạm Đình Hổ, ông đã mô tả nhiều cảnh ở Tây Hồ, Bắc Cung, Long Trì và việc nuôi trồng hoa, chơi cây cảnh của vua quan và nhân dân ta. Mục “Hoa thảo” trong “Vũ trung tùy bút” đã mô tả nhiều loài hoa như Thạch hoa, Thanh lan, Đông lan, Kiết lan, đồng thời có nói rõ kỹ thuật trồng lan.

Nhiều tác phẩm văn thơ Việt Nam ngàn xưa đã nhắc nhiều loại hoa lan. Đặc biệt là trong các sách nói về cây thuốc như của Hải Thượng Lãn Ông và các sách thuốc khác lưu truyền ở Việt Nam đều có nêu lên những cây lan làm thuốc chữa bệnh.

Thế kỷ 17, người châu Âu, chủ yếu là những người truyền giáo đạo Gia tô đến Việt Nam. Năm 1780 giáo sỹ Ivannis Ioureiro trong chuyến đi Việt Nam đã mô tả một số loài lan Việt Nam thuộc các giống Phalaenopis, Dendrobium, Cymbidium.

Tại Việt Nam, người chơi hoa và chung thủy với hoa nổi tiếng phải kể đến Trần Tuấn Anh, người đất Hà Thành. Anh là người chơi lan, gắn bó với lan đã hơn 20 năm, từng ngược xuôi khắp mọi miền đất nước để săn lùng phong lan. Được biết, cũng vì tìm lan mà đã có lần Tuấn Anh đã lạc trong rừng sâu nhiều ngày. Qua tháng năm, vườn lan ở Thanh Xuân của Tuấn Anh hội tụ được hơn 300 loài luôn giành được sự “kính trọng” của giới chơi lan.

Năm 2002 là một năm đánh dấu một sự kiện không thể quên với Tuấn Anh. Anh đã tìm được một loài lan hoàn toàn mới lạ tại miền núi Tây Bắc - Việt Nam. Loài lan này có tên khoa học là Dendrobium tuananhii được thế giới công nhận và tên anh đã được đặt cho loài hoa đặc biệt quí hiếm này.

Việt Nam có khí hậu nhiệt đới ẩm phù hợp với nhu cầu sinh thái của các loại lan, hoa lan đã đến với con người Việt Nam từ lâu đời, nhưng bối cảnh lịch sử của nền kinh tế lúc đó còn chưa phát triển nên từ đời này qua đời khác cây lan ở Việt Nam chỉ dừng lại ở dạng trồng để thưởng thức. Việc nuôi trồng kinh doanh hoa lan như các nước ở châu Âu và châu Á phát triển chưa được quan tâm đúng mức.

lap1-1626859856.jpg
 

          Vấn đề kinh doanh xuất khẩu hoa lan đối với Việt Nam cho đến nay vẫn đang ở giai đoạn đầu. Việt Nam có hai miền Nam, Bắc có khí hậu khác nhau rõ rệt. Miền Nam có mùa đông lạnh và có bão, miền Nam khí hậu ôn hòa ấm áp. Vì  vậy để sản xuất lan kinh doanh ở miền Bắc chỉ thích hợp với việc trồng các loại hoa lan chủ yếu khai thác từ các loại lan rừng và nuôi trồng với số lượng ít để trưng bày thưởng thức, còn vấn đề nuôi trồng theo quy mô công nghiệp không thích hợp, do có mùa bão, dẫn đến giá thành cao hiệu quả kinh tế kém.

Khí hậu ở miền Nam Việt Nam thích hợp với nuôi trồng lan. Từ những năm 1960 - 1970 do ảnh hưởng của ngành hoa lan, cây cảnh thế giới (Thái Lan và các nước Tây Âu), những cây lan thuộc các giống như Phalaenopis, Dendrobium, Cattlleya, Cymbidium từ Thái Lan, Singapore, Pháp và Mỹ được nhập nội vào miền Nam Việt Nam chủ yếu đưa vào Sài Gòn tức là thành phố Hồ Chí Minh ngày nay và Đà Lạt là nền móng đầu tiên cho ngành nuôi trồng lan. Trước đây các chủ vườn và các “nghệ nhân” nuôi trồng lan chủ yếu để thưởng thức nghệ thuật. Dần dần hòa theo trào lưu sản xuất kinh doanh hoa lan của thế giới, chủ yếu là Thái Lan, các vườn lan được chuyển dần sang kinh doanh, bắt đầu mở rộng nhập nội cây lan với quy mô đáng kể. Sau năm 1975, vấn đề nuôi trồng lan gần như bị ngưng lại. Một số vườn lan trở thành vô chủ, một số vườn lan khong có người chăm sóc. Nhưng chỉ vài năm sau tình hình bắt đầu ổn định, ngành hoa lan bắt đầu chuyển sang một giai đoạn mới. Ở thành phố Hồ Chí Minh, một số vườn lan cũ được phục hồi, có các ngày hội thi hoa lan, cây cảnh của thành phố và các quận huyện ngày càng trở lên rầm rộ, từ năm 1981, Hội hoa xuân bắt đầu mở ở thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện nay, hàng năm vào dịp tết Nguyên đán, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều mở hội hoa xuân trong đó có trưng bày nhiều loại hoa lan. Việc tổ chức chấm thi hoa lan, tranh giải trao huy chương cho các nghệ nhân nuôi trồng hoa lan có hoa lan đẹp diễn ra thường kỳ, có tác dụng kích thích người nuôi trồng hoa lan, phong trào nuôi trồng hoa lan ngày càng phát triển và việc nuôi trồng hoa lan dần dần bước sang giai đoạn kinh doanh xuất khẩu. Các công ty như công ty rau quả xuất khẩu Trung nông - Vetgetexco và công ty Thủ công mỹ nghệ tổng hợp xuất khẩu thành phố Hồ Chí Minh (Atex - Saigon) là những công ty tham gia xuất khẩu hoa lan đầu tiên ở Việt Nam.

Việc xuất khẩu hoa lan của Việt Nam chính thức dược thực hiện vào năm 1980 do công ty Vegetexco xuất lan cắt cành Đà Lạt (Cymbidium) và các loại hoa khác như hoa Lay ơn (Gladiolus communis L.), hoa Lily. Các công ty của Việt Nam lần đầu tiên cử đại diện đi dự hội nghị hoa quốc tế tổ chức tại Bratislava (Tiệp Khắc) và bắt đầu quan hệ với các công ty hoa Unicoop (Tiệp Khắc) Inovator (Hunggari) về hoa lan, cây cảnh.

Ở Hà Nội, Hải Phòng, phong trào nuôi trồng hoa lan chủ yếu là hoa lan rừng chỉ mang tính chất thưởng thức nghệ thuật ở các cơ sở công cộng như các vườn hoa, các cơ sở nghỉ ngơi, giải khát.

Tại Đà Lạt có khoảng 500 gia đình nuôi trồng hoa lan, trong đó có hơn 150 gia đình tham gia vào Hội hoa lan của thành phố Đà Lạt. Ủy ban Khoa học kỹ thuật của Đà Lạt và phòng Sinh học của Viện Hạt nhân Đà Lạt cũng tham gia tích cực vào lập các cơ sở cấy mô phong lan và sưu tầm các loại lan. Hiện nay Đà Lạt đã thu thập được 200 loài có khả năng nuôi trồng xuất khẩu.

Tại thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1983 - 1984 bắt đầu có hàng loạt các cơ quan đóng tại thành phố tổ chức thử nghiệm nuôi trồng trên quy mô lớn để xuất khẩu. Các vườn lan đáng kể là vườn lan của T78, vườn lan của Cục Quản lý giáo dục Bộ tham mưu, vườn lan của ngành hàng không dân dụng.

Về lan giống từ năm 1976, Trung tâm Sinh học thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức nuôi cấy mô phong lan và tạo ra hàng loạt cây con phong lan bằng phương pháp cấy mô.

Năm 1987, Ủy ban khoa học thành phố Hồ Chí Minh tổ chức nghiên cứu đề tài và kinh tế kỹ thuật khoa học lan xuất khẩu. Và cũng năm 1987, thành phố quyết định thành lập Công ty phong lan xuất khẩu trực thuộc Sở Lâm nghiệp. Trong những năm 1987 - 1988, Hội khoa học Lâm nghiệp và trường Đại học Tổng hợp đã lần lượt mở lớp nuôi trồng hoa lan xuất khẩu, phong trào nuôi cấy lan thành phố trong thời gian này ngày càng sôi động. Sau đó hội hoa lan, cây cảnh thành phố ra đời, thường xuyên mở những buổi hội thảo về hoa lan, về cây cảnh. Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh đã có mấy ngàn người nuôi trồng hoa lan, và có khoảng 20 vườn lớn. Trong đó có một số vườn tư nhân đã trở thành xí nghiệp nuôi trồng xuất khẩu thường xuyên giao dịch với các công ty ở Thái Lan, Singapore, Nga...

Hoa lan ở Việt Nam chỉ chiếm xấp xỉ 10% tổng diện tích, hầu hết hoa được trồng trên những mảnh vườn mở không có lưới và các phương tiện phòng chống mưa, bão, lụt rất thô sơ... nên chất lượng và thời vụ thu hoạch bị ảnh hưởng rất nhiều. Hoa lan tuy cũng được trồng trong vườn có lưới che mát nhưng cũng không có các phương tiện bảo vệ tránh gió, mưa, bão gây hại cho hoa.

Đà Lạt hiện nay đang trở thành điểm thu hút các nhà đầu tư kinh doanh hoa do sự thành công của các công ty nước ngoài đầu tư vào cách đây hơn 10 năm như Dalat Hasfarm chuyên trồng hoa ôn đới; công ty Lâm Thăng Đài Loan chuyên về Phalaenopsis (lan Hồ Điệp). vùng Sapa, Tam Đảo rất thích hợp cho việc trồng hoa ôn đới như hồng, Lily, Lay ơn,...Riêng hoa lan nhiệt đới, qua các năm từ 2003 - 2005 đã tăng từ 20ha lên 50ha (tăng 150%). Xu hướng tiêu dùng hoa lan đã tăng lên đáng kể và dự đoán sẽ tăng mạnh trong thập niên tới do Việt Nam đã là thành viên của tổ chức thương mại thế giới WTO sẽ là yếu tố tăng mạnh đầu tư nước ngoài làm tăng các dịch vụ du lịch, tổ chức hội nghị quốc tế...

3. Tiềm năng ngành sản xuất hoa lan ở Việt Nam

3.1.1. Sự tăng trưởng của nền kinh tế

Nền kinh tế Việt Nam những năm qua phát triển vượt bậc đã nâng cao mức sống của người dân nhất là dân cư các thành phố lớn trong cả nước. Do đó nhu cầu tiêu dùng hoa cắt cành trong đó có hoa lan ngày càng tăng. Hầu hết hoa lan được trồng và tiêu thụ trong nước nhất là vào các dịp lễ hội như Tết, Giáng sinh, ngày Phụ nữ, Quốc khánh, ngày Nhà giáo, Sinh nhật, Hội nghị khách hàng...

Hiện nay Việt Nam đã là thành viên của WTO tạo điều kiện cho ngành sản xuất hoa lan của Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế trong các lĩnh vực: kỹ thuật trồng, lai tạo giống, nhân giống (cấy mô), bảo quản sau thu hoạch... để thúc đẩy công nghiệp hoa lan phát triển.

Tuy công nghiệp hoa lan ở Việt Nam chưa được qui hoạch trong chiến lược phát triển kế hoạch 5 năm của quốc gia nhưng xu hướng phát triển của hoa lan lại rất nhiều triển vọng vì hầu như cung không đủ cầu: làn sóng đầu tư đổ vào Việt Nam trong đó có Mỹ, Nhật, Trung Quốc và các quốc gia khác, các vùng đang tạo một cảnh quan du lịch sinh thái, các hội nghị quốc gia cũng như các diễn đàn quốc tế tổ chức tại Việt Nam với tần suất ngày càng tăng khiến cho nhu cầu hoa lan tăng thêm và hầu như Việt Nam hàng năm phải chi ra hàng tỷ đồng để nhập khẩu hoa lan từ các nước láng giềng cũng chỉ để đáp ứng cho thị trường nội địa.

phidiep-1627121881.jpg
Phong Lan Phi Điệp đang được nhiều người quan tâm đầu tư

3.1.2. Thu nhập từ trồng hoa lan

Hiệu quả kinh tế nói chung của vườn lan cao hơn các loại cây trồng nông nghiệp khác; nhất là tại những vùng đất sản xuất nông nghiệp không hiệu quả như đất bạc màu, chua phèn hay nhiễm mặn vì cây lan không cần đến đất. Đặc biệt Việt Nam có các tỉnh duyên hải và Bến Tre là nơi tập trung trồng dừa và vỏ dừa khô chính là giá thể tốt nhất để cây lan phát triển. Xơ dừa là vật liệu rẻ tiền giúp cho việc đầu tư vào sản xuất giảm đi rất nhiều so với các quốc gia khác. Các vật liệu khác như lưới che mát, than, tre nứa cũng đã sản xuất được ở Việt Nam góp phần làm giảm chi phí đầu tư cho người sản xuất.

Hiện nay người trồng lan có thu nhập cao gấp nhiều lần so với người trồng lúa, gấp 4 - 5 lần so với người trồng rau cải, cỏ cho chăn nuôi... Theo số liệu thống kê của vụ kế hoạch thuộc Bộ NN & PTNT nếu trồng lan cắt cành Dendrobium và Mokara 1ha có thể cho doanh thu 500 triệu - 1 tỉ đồng/ha/năm.

3.1.3. Thu nhập cao từ kinh doanh hoa lan

Các cơ sở kinh doanh hoa lan, cây kiểng tăng nhanh kể từ năm 2003 từ 264 điểm đến nay đã trên 1.000 cơ sở lớn nhỏ trên địa bàn TP. HCM. Riêng trên toàn quốc, số lượng các cửa hàng hoa tăng gấp nhiều lần so với năm 2000 cho thấy nhu cầu tiêu dùng hoa của người dân tăng nhanh. Theo thống kê của Sở NN & PTNT TP. HCM trong năm 2003 doanh số kinh doanh hoa lan cây kiểng chỉ đạt 200 - 300 tỉ đồng nhưng đến năm 2005 đã tăng đến 600 - 700 tỉ đồng và ngay từ đầu năm 2006 doanh số đạt được là 400 tỉ đồng.

3.1.4. Điều kiện khí hậu, lao động, đất đai

Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận có khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm cao nên thích hợp cho việc trồng các giống Dendrobium và Mokara. Đặc biệt là việc trồng Mokara tại TP. HCM cho thấy Mokara tăng trưởng và ra hoa tốt hươn trồng tại Thái Lan.

Ngoài ra, lực lượng lao động cho việc trồng lan không cần nhiều, có thể sử dụng lực lượng nông nhàn để theo dõi, chăm sóc cho cây hoa cũng là một lợi thế cho ngành hoa lan Việt Nam.

Những vùng đất phèn nặng hoặc bạc màu là địa điểm thích hợp để người dân chuyển đổi từ sản xuất trồng lúa hoặc rau cải cho thu nhập thấp sang trồng hoa lan cho thu nhập cao. Diện tích những vùng đất phèn nặng và bạc màu chiếm số lượng lớn ở TP. HCM đang được TP. HCM đưa vào qui hoạch những vùng cần chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng sẽ giúp cho hàng ngàn nông dân thay đổi tập quán canh tác từ cây lúa, cây rau sang cây hoa có giá trị kinh tế cao.

3.2. Các nhân tố ảnh hưởng chính đến sự phát triển công nghiệp hoa lan Việt Nam

3.2.1. Giống

Để nhân nhanh các giống lan, phương pháp nhân giống bằng nuôi cấy mô đang được các quốc gia trên thế giới áp dụng. Việt Nam cũng có các phòng nuôi cấy mô nhưng ở qui mô nhỏ, nên nguồn giống chủ yêu là nhập từ Thái Lan, Đài Loan và một vài quốc gia Tây Âu như Bỉ, Hà Lan... Vì vậy giống lan tại Việt Nam tùy thuộc rất nhiều vào nguồn giống ngoại nhập. Đây là một thực tế đáng lo ngại cho ngành sản xuất hoa lan của Việt Nam nếu tương lai Việt Nam tham gia vào thị trường xuất khẩu hoa lan trên thế giới.

Việc nhập khẩu giống từ các nguồn khác nhau gây ra nhiều vấn đề khó khăn cho sự phát triển của ngành công nghiệp hoa lan như chất lượng hoa, sâu bệnh lan truyền qua nhập khẩu và bản quyền tác giả... sẽ làm cho giá thành của hoa lan Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực và rủi ro trong nuôi trồng cũng nhiều hơn.

3.2.2. Công nghệ sinh học

Khi trồng các loại hoa cắt cành như hồng, cúc, cẩm chướng... sau khi thu hoạch nông dân Việt Nam có xu hướng giữ lại hạt làm giống cho vụ sau. Trái lại việc nhân giống hoa lan phải nhờ đến công nghệ sinh học. Hiện nay cũng có vài công ty tư nhân đang đầu tư trong lĩnh vực cấy mô, lai tạo giống phong lan Dendrobium, Mokara hay Oncidium để tạo ra nguồn giống riêng của Việt Nam mặc dù hướng nghiên cứu gene phong lan ở Việt Nam chưa được chú ý đến. Tuy nhiên, nếu việc lai tạo các giống phong lan thành công thì đây là bước khởi đầu cho công nghiệp hoa lan Việt Nam và cần được sự hỗ trợ của nhiều ngành khoa học đặc biệt là công nghệ gene trong nông nghiệp.

3.2.3. Công nghệ canh tác, sản xuất hoa lan

Tuy hoa lan không cần đất để phát triển nhưng việc ứng dụng công nghệ canh tác tiên tiến rất quan trọng với mục đích tạo ra những hoa lan có màu sắc, kích thước, số lượng hoa trên cành, tính bền, khả năng ra hoa và tính kháng bệnh của cây với chất lượng cao và giá thành thấp.

Vai trò của hoa lan và hoa cắt cành ở Việt Nam mới chỉ trở nên quan trọng trong những năm gần đây, nhưng các qui trình công nghệ tiên tiến áp dụng trong lĩnh vực hoa lan chưa được chọn lọc và nghiên cứu đầy đủ trong điều kiện sinh thái của Việt Nam. Hầu hết là học tập và mô phỏng theo cách trồng của Thái Lan ở qui mô cá thể với diện tích chưa đủ lớn để tạo ra sự thay đổi sâu sắc trong tập quán trồng hoa của nông dân Việt Nam, trong đó vấn đề sâu bệnh hại là yếu tố quyết định cho sản xuất lan công nghiệp.

Đa số nông dân Việt Nam trồng hoa lan ở qui mô hộ gia đình từ vài m2 đến vài ngàn m2, cá biệt có vài hộ sản xuất kinh doanh trồng trên 1-2ha. Chính do qui mô nhỏ lẻ và nguồn giống phân tán nhập từ nhiều nguồn khác nhau nên đã dẫn đến chất lượng hoa lan không đồng đều, số lượng trên mỗi giống hoa không đủ cho thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu trong tương lai.

3.2.4. Công nghệ sau thu hoạch

Hoa lan là sản phẩm của ngành nông nghiệp (khác với lan rừng thu hái từ tự nhiên) nên nó cần một công nghệ bảo quản sau thu hoạch để giữ cho hoa bền, lâu tàn. Trong điều kiện khí hậu Việt Nam thích hợp cho việc canh tác hoa lan nhiệt đới thì cũng chính khí hậu nóng ẩm của ta cũng dễ ảnh hưởng đến chất lượng hoa lan. Đa số nông dân cắt hoa và giao hoa ngay trên những phương tiện vận chuyển thô sơ, không có kho mát hay phòng mát và cũng chưa có dụng cụ chứa dinh dưỡng để cắm mỗi cành hoa vào để giữ cho hoa lâu tàn.

3.2.5. Thị trường và các biện pháp xúc tiến thương mại

Hoa lan và các loại hoa cắt cành khác đang được phân phối trên thị trường trong nước qua các kênh bán sỉ tại các chợ đầu mối hoa như chợ Hồ Thị Kỳ, Q.10. Các cửa hàng kinh doanh hoa mua trực tiếp từ các vườn hoặc thông qua các cơ sở tư nhân thu gom từ các vườn lan.

Hiện nay tuy chưa có một tổ chức hay doanh nghiệp nào đứng ra tổ chức hệ thống thu mua và phân phối hoa lan cho thị trong nước, nhưng các hộ kinh doanh hoa, các cửa hàng bán hoa đã rất nhạy bén nắm bắt tâm lý của người trồng hoa là cần có đầu ra ổn định nên đã có những thỏa thuận ở mức sơ khai của hình thức hợp đồng kinh tế, lấy uy tín là chính và việc đặt cọc tiền giữa 2 bên chỉ có giá trị tượng trưng cho sự thỏa thuận giữa hai bên. Cho đến hiện nay chưa có hợp đồng nào có giá trị ở mức cao và cũng chưa có thỏa thuận nào bị “bể” giữa bên bán và mua do cầu lúc nào cũng cao hơn cung đối với hoa lan.

hoa123-1627122029.jpg
5CT SH giới thiệu trên FB Duy Trọng Hải 

So với các quốc gia trong khu vực, hoa cắt cành của Việt Nam cũng đã có thị trường xuất khẩu và mức tăng trưởng hàng năm đều tăng cao hơn so với năm trước. Tuy nhiên đối với hoa lan, nhất là hoa lan nhiệt đới thị trường xuất khẩu vẫn còn là thị trường tiềm năng. Để có thể tiến vào thị trường hoa lan cắt cành hay lan chậu của thế giới, ngành công nghiệp hoa lan Việt Nam còn rất nhiều vấn đề cần phải quan tâm.

3.3. Các thách thức trong quá trình phát triển

Mặc dù các cơ hội phát triển hoa lan Việt Nam là rất lớn nhưng các nhân tố đó cũng chính là những thách thức cần được quan tâm cho sự phát triển của ngành công nghiệp hoa lan còn non trẻ của Việt Nam như:

- Sản xuất lai tạo giống lan trong nước bằng phương pháp nuôi cấy mô chưa có đột phá mới. Phần lớn các phòng cấy mô chỉ cấy chuyền các giống nhập từ nước ngoài ở dạng chồi/phôi, do đó ngành kinh doanh lan Việt Nam luôn bị động và có xu hướng hập khẩu là chính.

- Chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng còn cao nên việc mở rộng diện tích trồng lan cần phải có sự quan tâm hỗ trợ của các tổ chức tín dụng.

- Chưa có công nghệ sản xuất tiên tiến, sản xuất canh tác hoa ổn định không theo mùa vụ sẽ giúp bình ổn giá hoa trên thị trường.

- Công nghệ sau thu hoạch và kỹ thuật đóng gói phù hợp chưa sẵn sàng.

- Chi phí lao động có kỹ thuật tăng cao.

- Dịch vụ hậu cần tại các cảng xuất hàng còn yếu kém như chưa có kho mát tại sân bay.

- Các yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt của các nước nhập khẩu hoa trong khi Việt Nam chưa có hệ thống và biện pháp kiểm tra hoa nhập khẩu từ các nước khác.

- Hệ thống thông tin, tiếp thị hầu như chưa có nên rất khó khăn trong việc hoạch định sản xuất theo nhu cầu thị trường.

- Công nghiệp hoa lan chưa được quan tâm đúng mức của các cấp chính quyền nên chưa có những biện pháp hỗ trợ, thúc đẩy ngành hoa lan phát triển.

3.4. Một số các biện pháp chiến lược phát triển ngành hoa lan Việt Nam

3.4.1. Giải pháp về giống

- Lai tạo, chọn lọc giống mới theo phương pháp nhân giống truyền thống: Nỗ lực tiến hành các biện pháp lai chéo giữa các giống lan với nhau để tạo ra các giống mới. Phương pháp lai vẫn tiến hành trên nền tảng di truyền cổ điển, tuy nhiên để giảm thiểu chi phí và thời gian, công nghệ sinh học phân tử cần tham gia vào ở giai đoạn mầm chồi để xác định các tổ hợp lai mới.

- Kỹ thuật gene: áp dụng thành tựu chọn lọc gene trong nông nghiệp, nghiên cứu chọn lọc gene phong lan bằng các kỹ thuật gene.

- Nhân giống đột biến: chọn những cây lai đột biến mang các tính trạng nổi bật phù hợp với thị trường và nhân giống vô tính bằng phương pháp cấy mô.

3.4.2. Áp dụng thành tựu của các nước trong khu vực về canh tác hoa lan như

Khuyến khích sử dụng giá thể xơ dừa + than vụn hoặc giá thể bằng vỏ đậu phộng. Áp dụng sản xuất theo GAP để bảo vệ môi trường và kiểm soát sâu bệnh đúng cách.

3.4.3. Công nghệ bảo quản sau thu hoạch và dịch vụ hậu cần

- Ngành nhựa cần quan tâm đến việc cung cấp các tube (ống) chứa dụng dịch bảo quản hoa sau khi cắt khỏi cành.

- Nghiên cứu các công thức bảo quản hoa phù hợp với điều kiện vận chuyển tại Việt Nam.

3.4.4. Các hỗ trợ về cơ sở hạ tầng

Các phương tiện thiết bị chuyên dùng cho ngành hoa, các kênh thông tin, tiếp thị sản phẩm giúp người trồng dự đoán được giá cả, nhu cầu thị trường để tự hoạch định sản xuất.

3.4.5. Các văn bản luật, các tiêu chuẩn sản phẩm

Cần được ban hành trong thời gian ngắn nhất để người trồng tiếp cận, tránh được rào cản về thuế quan, kiểm dịch thực vật nghiêm ngặt của các nước nhập khẩu.

3.4.6. Nguồn nhân lực

Lực lượng lao động trong các lĩnh vực sản xuất, sau thu hoạch, xếp dỡ, phát triển sản phẩm, công nghệ sinh học, kỹ thuật gene, đấu giá ... cần phải được đào tạo nhanh chóng vì điều này có thể trở thành khiếm khuyết nghiêm trọng trong sự cạnh tranh mạnh mẽ toàn cầu khi nước ta là thành viên WTO.

3.4.7. Hỗ trợ tín dụng

Ngành hoa lan cần vốn khá lớn và thời gian khá dài để phát triển do đó cần được các tổ chức tín dụng quan tâm hỗ trợ.

Tuy ngành sản xuất hoa lan Việt Nam còn khoảng cách rất xa so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia... nhưng tương lai của hoa lan Việt Nam rất xán lạng do vẫn còn nhiều quỹ đất để phát triển, nguồn gene lan rừng rất quí báu dồi dào nhưng chưa được khai thác, con người Việt Nam thông minh chịu khó và nắm bắt rất nhanh công nghệ tiên tiến.

Trước hết ngành sản xuất hoa lan cần mở rộng sản xuất cung cấp cho thị trường nội địa, sử dụng các giống lai tạo mới, sử dụng hiệu quả các thành tựu của công nghệ sinh học. Chính phủ cần khuyến khích nông dân chuyển đổi diện tích cây trồng thu nhập thấp sang trồng lan với các chính sách hỗ trợ về vốn, công nghệ sản xuất chuyên sâu. Kêu gọi các Doanh nghiệp tư nhân tham gia tích cực vào lĩnh vực công nghệ sinh học và di truyền cho ngành công nghiệp hoa lan nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm làm động lực cho sự phát triển của ngành. Chính phủ cũng cần tăng cường công tác thị trường và năng lực thị trường bằng cách hợp tác giữa khu vực tư nhân và các tổ chức nhà nước để quản bá sản phẩm và thâm nhập thị trường mới.

Giáo trình Hoa Lan Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên
Bạn đang đọc bài viết "Tình hình sản xuất, nuôi trồng hoa lan trên Thế giới và Việt Nam" tại chuyên mục CULTURAL FLOW. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (08.4646.0404) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan.hoinhap@gmail.com).