Thực trạng, tiềm năng và định hướng nghiên cứu, phát triển hoa cây cảnh Việt Nam

22/07/2021 20:14

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nhiều loại cây trồng nông nghiệp, nghề trồng hoa và cây cảnh đã có những bước phát triển vượt bậc cả về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục vạn hộ gia đình, đóng góp không nhỏ vào GDP của ngành nông nghiệp, bước đầu tham gia xuất khẩu, từ đó đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng và xây dựng nông thôn mới.

Theo số liệu điều tra, hiện cả nước có khoảng gần 45 nghìn ha hoa, cây cảnh, thu nhập bình quân khoảng 520 triệu đồng/ha/năm, giá trị sản lượng ước tính đạt 23.400 tỷ đồng/năm, trong đó xuất khẩu xấp xỉ 80 triệu USD/năm.

Nước ta có nguồn tài nguyên khí hậu đa dạng, cả nhiệt đới, Á nhiệt đới và ôn đới nên có thể phát triển nhiều loại hoa, cây cảnh. Mặt khác, chúng ta có nguồn gen hoa, cây cảnh vô cùng phong phú và đa dạng, trong đó có rất nhiều nguồn gen quý, có giá trị cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong sản xuất đã hình thành nhiều vùng chuyên canh, làng nghề hoa cây cảnh với trình độ và kinh nghiệm sản xuất quý báu của nông dân đã cho ra các sản phẩm cao cấp đáp ứng thẩm mỹ tiêu dùng ngày càng cao tại thị trường trong và ngoài nước. Một số doanh nghiệp, địa phương đã đưa nông nghiệp công nghệ cao với các công nghệ về sinh học, công nghệ vật liệu mới, cơ giới hóa và tự động hóa phù hợp với thế mạnh của từng địa phương vào sản xuất hoa và đã cho hiệu quả cao, tăng thu nhập và thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó nhu cầu về hoa, cây cảnh trên thị trường ngày càng tăng mạnh, chỉ tính nhu cầu trong nước 5 năm gần đây bình quân nhu cầu hoa, cây cảnh tăng khoảng 15%/năm là tiền đề cho phát triển hoa cây cảnh một cách bài bản và thành hàng hóa lớn.

hoa-xuan-16-04-01-293-1626959344.jpg
Nhiều loại hoa đã được nuôi trồng quy mô công nghiệp

Mặc dù hiện nay diện tích, sản lượng và thu nhập từ hoa, cây cảnh đều tăng, tương lai không xa sẽ là một ngành sản xuất nông nghiệp nhiều tiềm năng góp phần quan trọng vào công cuộc tái cơ cấu ngành trồng trọt, phát triển làng nghề, xây dựng nông thôn mới...nhưng thực tiễn còn đang có những hạn chế nhất định kìm hãm sự phát triển. Một trong những tồn tại nhất của ngành sản xuất hoa, cây cảnh hiện nay là phần nhiều phát triển tự phát, thiếu quy hoạch tổng thể, thiếu cái nhìn tổng quan lâu dài để hoạch định chiến lược và giải pháp cụ thể cho phát triển trong tương lai. Bên cạnh đó còn nhiều bất cập trong sản xuất như nhiều giống hoa cây cảnh đẹp, có giá trị thương mại cao đang nhập từ nước ngoài và liên quan đến bản quyền giống nếu ta xuất khẩu; chưa phát huy hết lợi thế của từng địa phương để phát triển chủng loại cây phù hợp; nhiều kinh nghiệm sản xuất quý báu chưa được tổng kết nhân rộng; việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường còn hạn chế; chính sách cho sản xuất hoa cây cảnh chưa đủ mạnh để giúp phát triển bứt phá, khai thác hết tiềm năng của ngành.

Nội dung phân tích dưới đây phần nào sẽ làm sảng tỏ một số nguyên nhân và đưa ra một số giải pháp hữu ích cho sự phát triển ngành sản xuất hoa, cây cảnh của Việt Nam.

THỰC TRẠNG SẢN XUẤT HOA, CÂY CẢNH Ở VIỆT NAM

1. Quy mô, diện tích trồng hoa - cây cảnh ở Việt Nam

Nghề sản xuất hoa, cây cảnh ở Việt Nam có từ lâu đời, nhưng chỉ được coi là một ngành kinh tế và có giá trị hàng hoá từ những năm 1980. Cũng giống như trên thế giới, ngành kinh tế này có tốc độ phát triển khá nhanh.

Bảng 1: Tốc độ phát triển ngành sản xuất hoa, cây cảnh giai đoạn 2000-2020

Chỉ tiêu

Năm

2000

Năm

2005

Năm

2010

Năm

2015

Năm

2020

Tổng diện tích (ha)

6.800

11.600

22.000

26.672

45.000

Giá trị sản lượng (Tr.đ)

850.000

1.856.000

4.840.000

7.468.160

23.400.000

Giá trị thu nhập TB (Tr.đ/ha/năm)

125

160

220

280

520

Mức tăng diện tích so với 2000 (lần)

1,0

1,7

3,2

3,9

6,6

Mức tăng giá trị sản lượng so với 2000 (lần)

1,0

2,2

5,7

8,8

27,5

(Số liệu thống kê và điều tra tổng hợp của Viện Nghiên cứu Rau quả năm 2021)

  Theo số liệu điều tra, hiện cả nước có khoảng 45.000 ha hoa, cây cảnh, thu nhập bình quân trên cả nước là 520 triệu đồng/ha/năm, như vậy so với năm 2000, diện tích hoa, cây cảnh năm 2020 đã tăng 6,6 lần, giá trị sản lượng tăng 27,5 lần (đạt 23.400 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu xấp xỉ 80 triệu USD), mức tăng giá trị thu nhập/ha là 2,1 lần (đã có nhiều mô hình đạt 1,5 tỷ đến 2,5 tỷ đồng/ha/năm). Tốc độ tăng trưởng này là rất cao so với các ngành nông nghiệp khác

  Những nơi có diện tích trồng tập trung và quy mô trồng lớn: Tây Tựu, Mê Linh, Nhật Tân (Hà Nội), Văn Giang (HưngYên), Hoành Bồ, Đông Triều (Quảng Ninh), An Dương (Hải Phòng), Hải Hậu (Nam Định), An Nhơn (Bình Định), Đà Lạt (Lâm Đồng), Củ Chi, Gò Vấp (T.P Hồ Chí Minh), Sa Đéc (Đồng Tháp)… thu nhập của nghề trồng hoa, cây cảnh ở những nơi này đạt từ  1,0 – 1,5 tỷ đồng/ha/năm. Đặc biệt, có một số mô hình thu nhập đạt 3,0–5,0 tỷ đồng/ha/năm. So với giá trị thu nhập/ha canh tác toàn ngành trồng trọt là 82 - 83 triệu đồng/ha/năm, mức thu nhập này gấp gần 5,0 lần. Ở địa phương nào có diện tích trồng hoa, cây cảnh chuyên canh, ở đó đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt, nhiều hộ trở nên giàu có (thu nhập 500 - 800 triệu đồng/hộ/năm).

dongq-1626959441.jpeg
PGS. TS Đặng Văn Đông, P. Viện trưởng Viện Rau quả

2. Cơ cấu chủng loại hoa, cây cảnh ở Việt Nam

Trước năm 2000, Việt Nam chủ yếu sử dụng những loại hoa, cây cảnh truyền thống như: quất, đào, mai, hồng, cúc, lay ơn, huệ, thược dược... Những năm gần đây, một số chủng loại hoa mới cao cấp đã dần dần được chú trọng và đang có xu hướng tăng dần về số lượng và giá trị.

Kết quả điều tra cũng cho thấy: các loại hoa và cây cảnh truyền thống có xu hướng ổn định về diện tích (tức là giảm dần về cơ cấu) để thay vào đó là các chủng loại hoa, cây cảnh mới, có giá trị cao hơn (lily, lan, tulip, cát trường, hải đường, đỗ quyên, tình nhân thảo, salem, bay bi, các loại hoa chậu, hoa thảm...).

Bảng 2: Cơ cấu số lượng, chủng loại hoa, cây cảnh ở Việt Nam qua các năm

Đơn vị tính: %

Chủng loại

Năm 2000

Năm 2005

2015

Năm 2020

I. Cây cảnh

100

100

100

100

1. Đào

25

24

22

22

2. Quất

32

32

30

29

3. Mai

24

23

22

22

4. Cây cảnh khác

19

21

26

27

II. Cây hoa

100

100

100

100

1. Hồng

23

20

20

15

2. Cúc

22

22

21

16

3. Layơn

15

14

14

12

4. Thược dược

6

4

2

1

5. Huệ

11

9

5

4

6. Đồng tiền

5

7

9

8

7. Lily

2

5

8

15

8. Cẩm chướng

3

3

3

3

9. Lan

2

3

4

6

10. Hoa chậu

7

8

9

14

11. Hoa khác

4

5

5

6

(Số liệu thống kê và điều tra tổng hợp của Viện Nghiên cứu Rau quả năm 2020)

Có sự thay đổi trên là do nhu cầu của người tiêu dùng luôn luôn hướng đến những chủng loại hoa, cây cảnh mới lạ, có chất lượng cao (màu sắc đẹp, độ bền hoa lâu, có hương thơm…); do sự hội nhập với bên ngoài: càng ngày càng có nhiều chủng loại hoa, cây cảnh mới được du nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau; và do có đóng góp rất lớn của các cơ quan khoa học trong việc lai tạo, thu thập, tuyển chọn các giống hoa, cây cảnh mới.

3. Những vùng sản xuất hoa, cây cảnh chính ở Việt Nam

Trước những năm 2000, các vùng trồng hoa, cây cảnh chủ yếu tập trung ở Tây Tựu - Từ Liêm (hoa hồng, hoa, hoa cúc), Mê Linh (hoa hồng), Nhật Tân (hoa đào), Đằng Hải - Hải Phòng (layơn), Hoành Bồ - Quảng Ninh (lay ơn, cúc), Văn Giang – Hưng Yên (quất cảnh), Đà Lạt – Lâm Đồng (các loại hoa, cây cảnh ôn đới), Sa đéc – Đồng Tháp (cây cảnh, hoa chậu), Ngoại thành T.P Hồ Chí Minh (cúc, hoa chậu), Tuy Hoà - Phú Yên (lay ơn, cúc chậu)... Những năm gần đây, sản xuất hoa, cây cảnh đã được mở rộng ra hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước, một số vùng tuy mới đưa vào trồng nhưng rất có tiềm năng phát triển như: Văn Giang (Hưng Yên), Mộc Châu (Sơn La), Sa Pa (Lào Cai), An Dương (Hải Phòng), Hải Hậu (Nam Định), Đan Phượng (Hà Nội), Thái Bình, Hà Nam, Đức Trọng (Đà Lạt), Củ Chi (TP Hồ Chí Minh)... Hầu hết ở những vùng mới này có quy mô tương đối lớn (từ 50-200 ha), được đầu tư các loại hoa, cây cảnh mới và quy trình kỹ thuật tiên tiến, nên năng suất và thu nhập/đơn vị diện tích cao hơn những vùng truyền thống từ 3 - 5 lần.

4. Tình hình đầu tư, phát triển hoa, cây cảnh của các doanh nghiệp

Trong nông nghiệp nói chung, trồng trọt là lĩnh vực đầu tư mang lại hiệu quả thấp mà rủi ro lại rất cao, vì thế rất ít các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Trước năm 2000, ngoài Công ty Hasfarm (có 100% vốn nước ngoài) đầu tư lớn vào trồng hoa, cây cảnh ở Đà Lạt, còn lại một số Công ty liên doanh hoặc 100% vốn trong nước chỉ đầu tư kinh phí khiêm tốn (từ 3-5 tỷ đồng) và họ chọn những nơi có điều kiện khí hậu thuận lợi như Đà Lạt, Sapa để đầu tư.

Tuy nhiên, do nhu cầu thị trường trong nước đòi hỏi số lượng rất lớn những chủng loại hoa, cây cảnh có chất lượng cao, trong khi hàng năm chúng ta vẫn phải nhập khẩu hoa từ nước ngoài. Nắm được cơ hội đó, vài năm trở lại đây một số doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư đến lĩnh vực này. Họ đã đang đầu tư hàng chục, hàng trăm tỷ đồng để phát triển sản xuất hoa, cây cảnh.

  Trong những năm qua, sự đầu tư vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh hoa, cây cảnh của các doanh nghiệp đã giúp ngành này phát triển một cách nhanh chóng, từ đó sản lượng chất lượng hoa, cây cảnh của Việt Nam đã được nâng cao rất nhiều, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động và quan trọng là định hướng dần ngành hoa, cây cảnh của Việt Nam đi theo hướng sản xuất hàng hoá, tuân thủ những quy trình công nghệ và quản lý chất lượng sản phẩm như những ngành công nghiệp khác.

  Sự đầu tư của các doanh nghiệp trong lĩnh vực hoa, cây cảnh là cơ hội rất tốt cho các nhà khoa học có điều kiện triển khai và áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất nhưng cũng đòi hỏi một cách khắt khe chất lượng nghiên cứu, bởi không có giống tốt, quy trình phù hợp thì sự đầu tư của các doanh nghiệp chắc chắn sẽ thất bại.

TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CHUYỂN GIAO TIẾN BỘ KHOA HỌC VÀO SẢN XUẤT

  Do nhận thức được tầm quan trọng của công tác nghiên cứu phát triển hoa, cây cảnh nên những năm qua các cơ quan, nhà khoa học đã rất chú trọng đầu tư cho công tác này, kết quả bước đầu đã đạt được 1 số thành tựu như sau:

1. Kết quả nghiên cứu

  * Về điều tra, đánh giá tình hình sản xuất và thu thập nguồn quỹ gen

Điều tra, đánh giá thực trạng phát triển hoa, cây cảnh ở Việt Nam. Thu thập và lưu giữ được hàng trăm nguồn gen quý phục vụ công tác chọn tạo giống: hoa lan 85 mẫu giống, hoa đào 25 mẫu giống, hoa lily 31 mẫu giống, hoa đồng tiền 15 mẫu giống, hoa cúc 35 mẫu giống, hoa hồng 35 mẫu giống, hoa lay ơn 22 mẫu giống...

  * Về tạo giống:

  Các cơ quan khoa học trong nước đã lai tạo được nhiều giống, dòng hoa có triển vọng bao gồm: giống layơn ĐL1, ĐL2, GL2-20, GL2-21, GL2-22; giống lan hồ điệp: Ban mai hồng, HĐ1, HĐ2, M8; giống lan hồ điệp thơm HĐT1 và HĐT2; giống đai châu: GL2-4, GL2-5..., đồng thời tạo được hàng trăm tổ hợp lai, dòng lai có triển vọng, làm nguồn vật liệu quý giá, cho công tác chọn, tạo giống những năm tiếp sau

  * Về chọn giống:

  Nguồn gen trong nước được thu thập cùng với việc kết hợp nhập nội khảo nghiệm để chọn lọc cung cấp cho sản xuất hàng trăm giống hoa, cây cảnh. Nhiều giống rất nổi tiếng trong sản xuất ví dụ như các giống giống hoa hồng: VR2, VR4, VR6; giống cúc: CN07-6, GL2-4; giống hoa lay ơn đỏ 09; giống hoa lily: Sorbonne, Belladonna, Robina, Yelloween; giống đồng tiền ĐTH125, ĐTH199, G12, G19; giống hoa lan hồ điệp LVR2, LVR4, Tiểu kiều tím; 2 giống hồng môn: HMC-01, HMC04; giống hoa loa kèn tứ quý, giống hoa đào: GL2-1, GL2-2, GL 2-3; giống hoa thược dược TDL-03, TDL-05, giống hoa cẩm chướng: CC01, CC02… Các giống hoa trên hiện đang được phát triển rộng rãi tại ở hầu hết các tỉnh trong cả nước.

2. Kết quả xây dựng và hoàn thiện các quy trình kỹ thuật

1. Đã hoàn thiện được các quy trình kỹ thuật nhân giống hoa hồng, hoa cúc, hoa cẩm chướng bằng phương pháp giâm cành; quy trình nhân giống cho các giống hoa: đồng tiền, lily, loa kèn, cẩm chướng, cúc, lan hồ điệp… bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào in vitro, tách chồi và triển khai sản xuất lớn (mỗi năm cung cấp cho thị trường từ 2,5-3 triệu cây giống).      

2. Xây dựng quy trình kỹ thuật trồng các giống hoa hồng, cúc, layơn, cẩm chướng, đồng tiền, loa kèn, lily, Mai vàng, trà, lan hồ điệp… thương phẩm, phục vụ cho sản xuất. Các quy trình này áp dụng ngoài sản xuất đã làm tăng hiệu quả kinh tế lên gấp 2 - 3 lần so với quy trình trước đây. Hiện nay, hầu hết các địa phương đang áp dụng và đánh giá rất cao các quy trình này.

  3. Xây dựng quy trình kỹ thuật điều tiết nở hoa cho hoa cúc, hoa đồng tiền, hoa lan, hoa lily.. bằng biện pháp xử lý nhiệt độ và hoá chất, đảm bảo hoa nở vào đúng dịp tết nguyên đán, tăng hiệu quả lên 3-5 lần so với thông thường.

  4. Xây dựng quy trình kỹ thuật điều tiết nở hoa và nâng cao chất lượng cho hoa đồng tiền, lily, hoa lan bằng các biện pháp cơ học, lý học và phân bón. Các quy trình này đã được áp dụng ngoài sản xuất cho thấy tính tiên tiến hơn hẳn các quy trình cũ. Hiện nay, có khoảng 90% những nơi đầu tư trồng hoa mới áp dụng theo quy trình này.

3. Kết quả chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất

  Các kết quả nghiên cứu trên đã được các cơ quan khoa học, cơ quan tác giả, chuyển giao cho sản xuất. Đối tượng chuyển giao rất đa dạng, bao gồm các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các cơ quan khuyến nông và các hộ gia đình sản xuất hoa, cây cảnh trên toàn quốc.

  Chỉ tính từ giai đoạn 2005 - 2020, riêng Viện NC Rau quả đã chuyển giao cho 45 tỉnh, thành phố, bao gồm hơn 1.000 tổ chức cá nhân; đào tạo, tập huấn cho 5.000 lượt người, xây dựng được khoảng 300 mô hình trồng hoa - cây cảnh với quy mô trung bình 3,0 ha/mô hình, hiệu quả thu được từ 500 - 700 triệu đồng/ha, làm lợi cho nhiều người dân trồng hoa.

Cũng nhờ có các kết quả nghiên cứu chuyển giao TBKT, ngành sản xuất hoa của nước ta đã phát triển không ngừng, bộ giống hoa và công nghệ trồng hoa đã tiếp cận được công nghệ trồng của thế giới, từ chỗ miền Bắc Việt Nam không trồng được hoa lily, đến nay mỗi năm chúng ta đã trồng vài trăm ha hoa lily, chất lượng hoa lily không thua kém hoa nhập khẩu và hoàn toàn có thể xuất khẩu. Từ chỗ chúng ta không trồng được hoa lan hồ điệp, đến nay rất nhiều tỉnh, thành  phố có mô hình sản xuất hoa lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao, tạo tiền đề cho chúng ta sản xuất hoa lan hồ điệp xuất khẩu ra các nước khác.

bia-sach11-1626959562.jpg
Bài viết trên được trích trong cuốn sách Hoa cây cảnh - ngành kinh tế sinh thái trong xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh

TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT HOA, CÂY CẢNH Ở VIỆT NAM

v Thị trường rộng lớn

Việt Nam là nước đông dân với dân số trên 97 triệu người, điều đặc biệt người dân Việt Nam rất ưa chuộng hoa cây cảnh. Theo kết quả điều tra khảo sát của Viện Nghiên cứu Rau quả, trung bình một năm một người Việt Nam tiêu dùng xấp xỉ 45.000 VNĐ mua hoa, cây cảnh để chơi.

Hoa, cây cảnh ở Việt Nam được sử dụng vào rất nhiều mục đích khác nhau: đón chào năm mới, lễ, hội, khai trương, tiếp khách, sinh nhật, chúc mừng dịp vui và chia buồn khi người thân qua đời, hoa cây cảnh còn để trang trí nội ngoại thất, phong cảnh. Hoa cây cảnh được tiêu dùng theo quy luật, cuộc sống càng khá giả thì nhu cầu càng tăng cao.

v Nguồn tài nguyên khí hậu, địa hình đa dạng

Việt Nam trải dài từ vĩ độ 23°23′ Bắc đến 8°27′ Bắc với rất nhiều địa hình khác nhau tạo cho chúng ta có nhiều loại khí hậu và các vùng tiểu khí hậu khác nhau từ ôn đới, á nhiệt đới, đến nhiệt đới do vậy chúng ta có thể phát triển được rất nhiều các chủng loại hoa cây cảnh đa dạng về màu sắc, hình dáng, đáp ứng nhu cầu quanh năm của người dân.

v Nguồn lao động dồi dào cần cù sáng tạo

Do đặc thù của đại đa số người dân Việt Nam đều xuất phát từ sản xuất nông nghiệp với thói quen chịu đựng gian khổ vất vả nên khi chuyển từ cây lương thực, thực phẩm sang làm hoa, cây cảnh họ vẫn giữ được tính cách cần cù, chịu khó, chịu được sự gian khổ, vất vả vì vậy so sánh với độ cần cù của nông dân trồng hoa Việt Nam thì họ hơn hẳn các nước khác trong khi giá nhân công lại rẻ hơn, đó là những ưu thế về lao động sản xuất hoa ở Việt Nam.

v Công nghệ và khoa học kỹ thuật trợ giúp

Trong những năm gần đây một số công nghệ và kỹ thuật sản xuất hoa của Việt Nam đã tiếp cận với thế giới từ đó giúp cho các doanh nghiệp và người dân có điều kiện để phát triển sản xuất hoa theo hướng hiệu quả bền vững đủ sức cạnh tranh. Ngoài ra ngày càng nhiều bộ giống hoa cây cảnh mới và các quy trình công nghệ sản xuất hoa, cây cảnh đã được các cơ quan khoa học nghiên cứu, chuyển giao điều này cũng là lợi thế để chúng ta có thể phát triển sản xuất hoa cây cảnh mạnh mẽ hơn nữa.

v Sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước

Trong những năm qua nhà nước cũng có nhiều chính sách giúp phát triển hoa, cây cảnh như: đầu tư các đề tài, dự án nghiên cứu bảo tồn phát triển nguồn gen; chọn tạo giống hoa cây cảnh; xây dựng các mô hình sản xuất hoa cây cảnh chất lượng cao, các chương trình nhân giống hoa, cây cảnh quý hiếm; chương trình chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các địa phương; chương trình khuyến  nông về hoa cây cảnh...Nhờ các chương trình này mà các cơ quan khoa học đã chọn tạo được hàng trăm giống hoa, cây cảnh cũng như xây dựng được các quy trình kỹ thuật chuyển giao cho người dân đến nay hầu hết  người sản xuất hoa cây cảnh đều đã được tiếp cận giống mới và đã cơ bản nắm được những kỹ thuật phát triển sản xuất hoa, cây cảnh.

v Nguồn gen các giống hoa, cây cảnh rất đa dạng, phong phú

Vì Việt Nam có nguồn tài nguyên khí hậu đa dạng nên cũng có rất nhiều các loại thực vật quý hiếm nói chung và các loại hoa, cây cảnh đẹp, có giá trị nói riêng, rất nhiều các loại cây trồng có thể trở thành những loại hoa, cây cảnh. Đặc biệt chúng ta có nguồn gen phong lan, địa lan với số lượng hàng ngàn loài có thể phát triển cho sản xuất đáp ứng không chỉ nhu cầu trong nước mà còn có thể xuất khẩu.

Ngoài ra chúng ta còn có rất nhiều các tiềm năng và sự thuận lợi khác như nguồn nhân lực dồi dào, giao thông ngày càng thuận lợi, hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng...có thể giúp cho sản xuất, phát triển gành hoa ở quy mô lớn và mức độ cao hơn.

NHỮNG TỒN TẠI CỦA VIỆC PHÁT TRIỂN HOA, CÂY CẢNH Ở VIỆT NAM

v Tn tại trong sản xuất

- Trước năm 2000, sản xuất hoa, cây cảnh ở Việt Nam theo hình thức tự phát là chính. Từ năm 2000 trở lại đây, mới có sự định hướng đầu tư, hỗ trợ một phần của Nhà nước, nhưng nhìn chung vẫn còn có tính chất manh mún, nhỏ lẻ.

- Kỹ thuật sản xuất hoa, cây cảnh khá lạc hậu so với các nước trong khu vực, chủ yếu là sản xuất ngoài tự nhiên (tính đến năm 2020, tỷ lệ diện tích hoa, cây cảnh áp dụng tiến bộ khoa học đạt khoảng 45%, diện tích trồng trong nhà có mái che chiếm 25%). Chính vì lý do trên mà nghề sản xuất hoa, cây cảnh mặc dù có thu nhập cao, nhưng cũng gặp khá nhiều rủi ro và phụ thuộc rất lớn vào điều kiện tự nhiên.

- Các giống hoa, cây cảnh trồng trước năm 2000, chủ yếu có nguồn gốc trong nước (đào Bích, quất Văn Giang, cúc Đại đóa, hồng Đà Lạt, layơn trắng, layơn phấn hồng Hải Phòng...). Từ năm 2010 trở lại đây, các giống hoa, trồng tại Việt Nam, chủ yếu là được nhập về từ nước ngoài (mà chủ yếu là của Hà Lan, Thái Lan, Trung Quốc...) bằng nhiều con đường khác nhau. Việc nhập các giống về trồng như vậy sẽ bị động và khi muốn xuất khẩu hoa lại gặp khó khăn về bản quyền.

- Kỹ thuật thu hái, xử lý, bảo quản, đóng gói sản phẩm còn thấp nên chất lượng hoa sau thu hoạch sụt giảm đáng kể cũng như việc xuất khẩu hoa, cây cảnh gặp nhiều khó khăn.

- Chưa có sự liên kết giữa các cơ sở sản xuất và tiêu thụ: số lượng doanh nghiệp tham gia vào phân phối sản phẩm từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng còn quá ít về số lượng và yếu về năng lực, trình độ, thiếu chuyên nghiệp nên dẫn đến tình trạng hoa sản xuất nhiều nhưng vẫn chưa đến tay người tiêu dùng; các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại thiếu thông tin về thị trường và tiêu thụ sản phẩm nên hiệu quả sản xuất không cao.

v Tn tại về đội ngũ khoa học công nghệ

- Trình độ khoa học công nghệ ngành hoa, cây cảnh trong nước còn lạc hậu so với thế giới và các nước trong khu vực.

  - Số cán bộ khoa học đầu đàn còn rất ít, chủ yếu là cán bộ khoa học trẻ, chưa được đào tạo chuyên sâu, chưa có nhiều kinh nghiệm.

  - Ngoài đa số các nhà khoa học lặn lội với thực tiễn, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu với sản xuất, vẫn còn một số nhà khoa học và cán bộ kỹ thuật chưa thật sự gắn nghiên cứu với ứng dụng sản xuất, nhiều kết quả nghiên cứu của các đề tài chưa được ứng dụng rộng rãi và chưa mang lại hiệu quả thiết thực cho sản xuất.

v Tn tại về cơ chế chính sách

- Sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước (kể cả đầu tư cho cơ sở hạ tầng và cho nghiên cứu khoa học) chưa nhiều so với một số ngành, nghề tương tự khác.

  - Chưa có cơ chế chính sách riêng, đối với sự phát triển của ngành sản xuất kinh doanh hoa, cây cảnh như một số cây trồng khác.

  - Chưa có chế độ chính sách khuyến khích các nhà khoa học trong công tác nghiên cứu phục vụ sản xuất.

- Chưa thực sự gắn kết được bốn nhà: nhà quản lý, nhà khoa, nhà doanh nghiệp và người dân trong việc đầu tư sản xuất kinh doanh hoa, cây cảnh.

CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI NGÀNH HOA, CÂY CẢNH

v Cơ hội về điều kiện tự nhiên 

  - Nhìn chung, điều kiện thời tiết khí hậu ở Việt Nam tương đối thuận lợi cho các loại hoa, cây cảnh phát triển, đặc biệt là thời tiết vào vụ đông và đông xuân. Riêng ở một số vùng như Đà Lạt, Sapa, Tam Đảo Mộc Châu .. điều kiện tự nhiên rất thích hợp cho các loại hoa, cây cảnh phát triển quanh năm, nhất là các chủng loại hoa, cây cảnh quý hiếm.

  - Việt Nam chúng ta có nguồn gen hoa, cây cảnh vô cùng phong phú và đa dạng, trong đó có rất nhiều nguồn gen quý, có giá trị cao trên thị trường Quốc tế.

v Cơ hội về nguồn nhân lực và giao thương.

  - Nếu như 10 năm trước đây chỉ có 1 đến 2 đơn vị nghiên cứu về hoa, cây cảnh với đội ngũ cán bộ chưa được đào tạo bài bản và chuyên sâu thì đến nay ngành hoa, cây cảnh đã có khá nhiều các nhà khoa học trẻ có trình độ.

  - So sánh với nguồn lao động ở các nước khác, thì nguồn lao động trồng hoa, cây cảnh ở Việt Nam nhiều, cần cù, chịu khó, có ý chí quyết tâm làm giàu, giá nhân công lao động lại khá rẻ.

  - Nhiều tổ chức doanh nghiệp trên thế giới đã và đang đến Việt Nam khảo sát đầu tư hoặc liên doanh liên kết với doanh nghiệp Việt Nam sản xuất kinh doanh hoa, cây cảnh.

  - Nhiều các giống hoa, cây cảnh mới, có giá trị kinh tế cao các công nghệ, thiết bị mới hiện đại sẽ được nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau.

   Với lợi thế về khí hậu, lao động, giá thành sản xuất hoa rẻ sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm hoa, cây cảnh Việt Nam so với các nước khác.

v Cơ hội về thị trường tiêu thụ

* Thị trường hoa cây, cảnh trong nước:

Trong những năm gần đây, sự phát triển kinh tế xã hội đã đạt được kết quả rất khả quan, đời sống vật chất của người dân được cải thiện nên nhu cầu về hoa, cây cảnh ngày càng tăng. Từ năm 2000-2019, trung bình ở nước ta nhu cầu hoa, cây cảnh tăng 15%/năm.

* Thị trường hoa - cây cảnh trên thế giới:

  Hoa - cây cảnh trên thế giới đã có một thị trường rất lớn, năm 2010 đạt gần 104 tỷ USD, với mức tăng trưởng 6% mỗi năm, cao gấp nhiều lần so với thị trường các loại nông sản khác vốn được xem trọng như gạo, cà phê, chè.

Như vậy, để đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nâng cao hiệu quả sản xuất và giá trị kinh tế cho người nông dân, những năm gần đây việc sản xuất phát triển hoa, cây cảnh đã có những bước phát triển mới. Hiệu quả sản xuất hoa cao hơn hẳn so với các các cây trồng khác. Vì vậy, phát triển hoa cây cảnh đang là một hướng đi phù hợp với điều kiện tự nhiên và nhu cầu tiêu dùng.

v Một số thách thức

  - Ngành sản xuất hoa, cây cảnh của Việt Nam còn rất non trẻ, trình độ khoa học công nghệ so với nước khác còn thấp, sự tích lũy vốn, kinh nghiệm đầu tư không nhiều so với các doanh nghiệp nước ngoài, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ

- Hầu hết các giống hoa, cây cảnh đang được trồng ở Việt Nam là nhập theo con đường không chính thức từ nước ngoài nên không có bản quyền, trong khi khả năng tạo được giống mới trong nước, trong một vài năm tới đây còn rất khó khăn (nếu được đầu tư thích đáng thì phải ít nhất 5 năm sau chúng ta mới có thể chủ động tạo ra những giống mang thương hiệu “made in Việt Nam”).

  - Đầu tư cho nông nghiệp thấp, dù một vài năm gần đây đã có một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực hoa, cây cảnh, nhưng trên tổng thể của nền kinh tế, thì Nhà nước đầu tư vào nông nghiệp vẫn thấp hơn số vốn đáng lẽ phải bỏ vào lĩnh vực này. Nhà nước chưa tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cho nghiên cứu khoa học và có những chính sách ưu đãi phát triển ngành hoa, cây cảnh như ở một số nước khác

  - Cạnh tranh quyết liệt của thị trường thế giới. Sản phẩm của chúng ta khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế với các nước có nền sản xuất hoa, cây cảnh phát triển như Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan,.... Sản phẩm của họ hiện đang cho chất lượng cao hơn, có thương hiệu và có sự liên kết giữa các doanh nghiệp hoa, cây cảnh với nhau

  - Diễn biến của biến đổi khí hậu ngày càng khó dự đoán, các thiên tai, dịch bệnh diễn ra ngày càng phức tạp và gây thiệt hại không nhỏ cho ngành nông nghiệp nói chung và ngành sản xuất hoa, cây cảnh nói riêng.

MỤC TIÊU VÀ NỘI DUNG TRỌNG TÂM CỦA CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU HOA, CÂY CẢNH ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

1. Mục tiêu

  - Trong giai đoạn từ 2021 đến 2025, mỗi năm tạo được từ 3-5 giống hoa, cây cảnh mới, tự công bố lưu hành 15 - 20 giống và 5-7 quy trình kỹ thuật phục vụ sản xuất.

  - Chuyển giao, mở rộng diện tích hoa, cây cảnh đến năm 2025 lên 50.000ha, tăng 110% so với 2020, giá trị sản lượng đạt trung bình 750 triệu đồng/ha/năm (gấp 1,28 lần so với hiện nay), giá trị xuất khẩu đạt 150 - 200 triệu USD/năm.

2. Nội dung nghiên cứu chính

- Tiếp tục công tác chọn tạo giống: kết hợp các phương pháp truyền thống và hiện đại: lai hữu tính, xử lý đột biến, chuyển gen... để tạo ra những giống hoa, cây cảnh mới có năng suất cao, phẩm chất tốt, sạch bệnh, phù hợp với điều kiện sinh thái Việt Nam.

-  Nghiên cứu biện pháp giữ giống và nhân nhanh giống

- Nghiên cứu quy trình sản xuất hoa, cây cảnh và cây cảnh thương phẩm

- Nghiên cứu quy trình thu hái, xử lý, bảo quản và vận chuyển

- Nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách về sản xuất, thị trường cho ngành hoa. 

MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÂY HOA Ở VIỆT NAM TRONG THỜI GIAN TỚI

Căn cứ thực trạng phát triển cây hoa, nhu cầu thị trường, trình độ khoa học, công nghệ, và những điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội ở Việt Nam, cũng như những chủ trương, chính sách phát triển ngành hoa của nhà nước. Một số nhiệm vụ cụ thể, theo mục đích sử dụng và theo đối tượng nghiên cứu như sau:

v Theo mục đích sử dụng 

Theo mục đích sử dụng, cây hoa sẽ được nghiên cứu, phát triển như sau: 

- Nghiên cứu, phát triển sản xuất hoa theo hướng ứng dụng công nghệ cao để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, hạ thấp giá thành. Đối tượng là các loại hoa lily, hoa lan ( hồ điệp, vũ nữ, catlaya, hoàng thảo, đai châu, địa lan kiếm) hoa chậu, hoa thảm…

- Nghiên cứu, phát triển sản xuất hoa gắn với chế biến thực phẩm: sản xuất hoa vừa làm cảnh vừa làm thực phẩm. Có thể trồng trên đất lúa, hoặc đất trồng màu. Đối tượng là các loại hoa sen, hoa thiên lý, tam giác mạch, hướng dương…

- Nghiên cứu, phát triển sản xuất hoa gắn với chế biến dược liệu. Sử dụng những loại cây hoa bản địa vừa để trang trí, vừa có thể làm dược liệu. Đối tượng là lan kim tuyến, lan thạch hộc, lan bạch cập, trà hoa vàng, hoa cúc chi…,      

- Nghiên cứu, phát triển sản xuất hoa gắn với chiết xuất, chế biến hương liệu. Sử dụng làm tinh dầu, nước hoa, các loại mỹ phẩm, hoặc đồ uống… Đối tượng là hoa hồng, hoa dành dành, hoa phong lữ, hoa iris, hoa nhài, hoa oải hương…

- Nghiên cứu, phát triển sản xuất hoa gắn với du lịch sinh thái: có thể cho du khách chiêm ngưỡng trực tiếp, có thể làm đẹp cảnh quan, để thu hút khách du lịch. 

v Theo đối tượng:

  Theo đối tượng cây trồng, dự kiến sẽ hình thành các nhóm như sau: 

1. Nhóm hoa lan công nghiệp, hồ điệp, vũ nữ: Nghiên cứu hoàn thiện 1 số công đoạn xử lý hoa tại chỗ, cơ giới hóa, tự động hóa một số công đoạn nhằm hạ giá thành, nâng cao số lượng, chất lượng hoa lan hồ điệp hạn chế nhập khẩu, tiến tới xuất khẩu. Hiện nay, đã có 1 câu lạc bộ, nhưng chưa hình thành 1 tổ chức quy củ và chưa ra mắt. 

2. Nhóm các loại hoa lan bản địa (phong lan, địa lan) Việt Nam: Nghiên cứu thu thập, bảo tồn, lưu giữ và phát triển các loại lan bản địa. Hiện nay ở rất nhiều địa phương đã thành lập được các câu lạc bộ hoặc các hội, chi hội. Các tổ chức này đã rất phát huy hiệu quả, tuy nhiên cần phải sớm có hội ở tầm Quốc gia, hoặc ít nhất là ở các miền vùng (miền Bắc, miền Nam)

3. Nhóm cây hoa có củ (hoa lay ơn, lily, tulip, loa kèn): Tập trung nhân nhanh giống lay ơn, 1 số giống loa kèn, giống hoa lily nhóm á châu, xây dựng mô hình sản xuất hoa có củ ứng dụng công nghệ cao.

4. Nhóm cây hoa hồng: Một mặt sử dụng những giống hồng cổ ( Sapa, Sơn La, Lai Châu, Hải Phòng, Nam Định..), mặt khác nhập các giống hoa hồng mới có nhiều đặc tính quý, từ Anh, Bulagaria, Pháp, Đức, Hà Lan,... để tuyển chọn, khảo nghiệm, cung cấp cho sản xuất.

Trồng hồng với đa tác dụng, làm cảnh, làm hương liệu, làm du lịch. Xây dựng các vùng sản xuất hoa hồng chậu ở Văn Giang Hưng Yên, Mê Linh, hồng cắt cành làm hương liệu, gắn với du lịch ở Sapa, Mộc Châu, Tam Đảo, Đải Lải... Nhóm này cần hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất, đến chế biến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm

5. Nhóm hoa đào hoa, mai, cây cảnh trang trí: Hoàn thiện công nghệ nhân giống và sản xuất cây hoa thương phẩm. Bổ sung các nghiên cứu để phát triển các giống hoa đào thất thốn, mai Yên tử, mai thơm, mộc hương...Nhóm này không cần hình thành tổ chức riêng mà hoạt động trong tổ chức sinh vật cảnh của địa phương. 

6. Nhóm hoa chậu, hoa thảm: Nghiên cứu và phát triển một số chủng loại hoa chậu, hoa thảm mới phù hợp với điều kiện địa phương để triển khai sản xuất mô hình lớn. Nhóm này cần hình thành những vùng sản xuất tập trung quy mô theo vùng hoặc theo địa phương. Hiện nay, chúng ta đã có 2 vùng sản xuất hoa chậu rất lớn đó là vùng hoa Xuân Quang, Phụng Công (Hưng Yên) diện tích khoảng 250 ha và vùng hoa Sa đéc Đồng Tháp, diện tích xấp xỉ 300 ha

7. Nhóm nhân giống hoa bằng nuôi cấy mô tế bào: Tập trung nghiên cứu và đưa vào nhân nhanh một số chủng loại hoa có nhu cầu tiêu dùng cao (các giống hoa lan quý, lan hồ điệp, lan vũ nữ, lay ơn, cúc, đồng tiền và một số chủng loại hoa chậu). Tăng cường công tác hợp tác với với một số đơn vị trong và ngoài nước (Đài Loan, Trung Quốc) để trao đổi kinh nghiệm và tiếp nhận các công nghệ mới trong việc nhân các loại hoa khó nhân giống (địa lan, lan hài..)

MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHÍNH ĐỂ PHÁT TRIỂN NGÀNH HOA, CÂY CẢNH

  1. Hoàn thiện chu trình khép kín từ nghiên cứu đến sản xuất, thị trường tiêu thụ về lĩnh vực hoa, cây cảnh. Các nội dung gồm: nghiên cứu chọn tạo giống, biện pháp lưu giữ giống, nhân nhanh giống, quy trình sản xuất hoa, cây cảnh thương phẩm, nghiên cứu quy trình thu hái, xử lý, bảo quản, vận chuyển hoa, thương mại hóa sản phẩm.

  2. Tăng cường công tác nghiên cứu gắn với sản xuất, các sản phẩm nghiên cứu phải được thử nghiệm và đánh giá thông qua sản xuất, đồng thời các cơ quan khoa học phải chịu trách nhiệm trước các doanh nghiệp, nhà đầu tư về giống hoa, công nghệ và quy trình do mình tạo ra và chuyển giao.

  3. Quy hoạch một số vùng sản xuất chuyên canh, đầu tư hỗ trợ cơ sở hạ tầng, xây dựng một số mô hình trình diễn sản xuất hoa, cây cảnh ứng dụng công nghệ cao (hoặc công nghệ tiên tiến) để làm cơ sở nhân ra diện rộng.

  4. Tăng cường đầu tư hỗ trợ xây dựng và xúc tiến thương mại về hoa, cây cảnh

  5. Một mặt mua bản quyền một số giống hoa, cây cảnh có giá trị, mặt khác nhanh chóng liên doanh, liên kết hoặc thuê chuyên gia nước ngoài tạo giống và đầu tư cho các cơ quan có năng lực tạo giống mới trong nước. Trước hết là tạo ra các giống hoa, cây cảnh có yêu cầu kỹ thuật và công nghệ ít phức tạp như lily, layơn, loa kèn, đồng tiền,... để phấn đấu đến năm 2025 chủ động được 1/3 số lượng giống hoa, cây cảnh trong nước.

  6. Tăng cường đầu tư cho công tác khuyến nông về hoa, cây cảnh song song với việc nghiên cứu điều chỉnh các chính sách đất đai, khuyến khích các tổ chức cá nhân cùng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh hoa, cây cảnh, với quy mô lớn tạo ra hàng hóa có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường.

  7. Xây dựng thương hiệu hoa, một số trung tâm giao dịch và chợ đầu mối bán buôn hoa, cây cảnh ở một số vùng trọng điểm có sản lượng hoa, cây cảnh lớn như Tây Hồ, Mê Linh (Hà Nội), Đức Trọng (Lâm Đồng), Củ Chi (TP Hồ Chí Minh),....

  8. Khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư, sản xuất hoa, cây cảnh xuất khẩu, có những cơ chế cụ thể rõ ràng hơn, giống như đối với 1 số đối tượng cây trồng được ưu tiên khác. 

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT, KHUYẾN NGHỊ

Để phát triển ngành hoa phát huy được tiềm năng, phát triển đạt được mục tiêu đề ra, chúng tôi xin kiến nghị một số vấn đề sau: 

1. Nhà nước, Chỉnh phủ và Bộ NNPTNT cần coi ngành hoa là một ngành kinh tế mũi nhọn, có nhiều tiềm năng để phát triển, từ đó có những chính sách hỗ trợ như đối với một số đối tượng cây trồng có ưu thể phát triển khác (lúa gạo, cà phê, cây ăn trái ..) 

2. Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương và các cơ quan hữu quan, hàng năm dành nguồn kinh phí để ưu tiên cho việc nghiên cứu, quy hoạch, phát triển hoa, cây cảnh, theo định hướng của ngành, trước hết tập trung vào những đối tượng hoa, cây cảnh có lợi thế phát triển

3. Hội sinh vật cảnh các cấp từ Trung ương đến các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, chỉ đạo, hướng dẫn hội viên áp dụng khoa học, công nghệ và những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, để nâng cao năng xuất chất lượng sản phẩm và tăng cường tổ chức các triển lãm, hội thi, diễn đàn về hoa, cây cảnh.

4. Các cơ quan khoa học cần phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo và các chuyên gia trong việc tăng cường công tác nghiên cứu tạo ra nhiều giống hoa mới có chất lượng cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở các vùng và được thị trường tiếp nhận, nghiên cứu các quy trình công nghệ tiên tiến, phù hợp với các điều kiện kinh tế, xã hội Việt Nam.

5. Các doanh nghiệp và những người trồng hoa, một mặt cần ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, mặt khác cần nắm bắt thông tin thị trường và có sự liên doanh, liên kết trong các câu lạc bộ, chi hội, hợp tác xã để đưa ra những định hướng kế hoạch phù hợp, đảm bảo sự sản xuất hiệu quả, an toàn, bền vững. 

6. Các cơ sở đào tạo về Nông nghiệp cần đổi mới công tác đào tạo các kỹ sư, cán bộ nghiên cứu về hoa cây cảnh, theo hướng liên kết chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu và các doanh nghiệp, tăng cường hơn nữa gắn kết giữa đào tạo lý thuyết và thực hành để cung cấp cho xã hội một lực lượng nhân lực có trình độ cao, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

 

 

  PGS.TS. Đặng Văn Đông - TS. Nguyễn Văn Tỉnh
Bạn đang đọc bài viết "Thực trạng, tiềm năng và định hướng nghiên cứu, phát triển hoa cây cảnh Việt Nam" tại chuyên mục VIETNAMESE COMPANION. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (08.4646.0404) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan.hoinhap@gmail.com).